Chiều 27/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019. Tại buổi họp, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê thông tin về các số liệu trong năm 2019.
Trong đó, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm liên quan đến nội dung, trong năm 2019, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chỉ tăng 2,79% là mức thấp nhất trong 3 năm trờ lại đây.
Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ Tổng cục thống kê, chỉ trong tháng 12/2019, CPI trên cả nước tăng 1,4% so với tháng 11. Theo ông Lâm cho hay, so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (phải) phân tích nguyên nhân chỉ số CPI tăng vọt tháng cuối năm.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho hay, do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, làm nguồn cung thịt lợn giảm, giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thay thế thịt lợn tăng.
Tính chung quý IV/2019, CPI tăng 2,01% so với quý trước và tăng 3,66% so với quý IV/2018; bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra, đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá phân tích, dịch tả lợn châu Phi đã có nhiều diễn biến phức tạp từ đầu năm, tuy nhiên, giá lợn tác động đến thị trường trong nước mạnh mẽ nhất ở thời điểm cuối năm.
“CPI trong tháng 12 tăng cao chủ yếu là do giá thịt lợn cao. Trong mức tăng 1,4%, riêng giá thịt lợn đã đóng góp mức 0,83%. Nguyên nhân là do dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng tới 63 tỉnh thành, tiêu hủy gần 6 triệu con tương đương sản lượng 340,8 nghìn tấn.
Do đó, giá thịt lợn từ tháng 10 trở lại đây tăng rất cao, trong đó, tháng 10 tăng 7,85%, tháng 11 tăng 18,31%, tháng 12 tăng 19,7%. Nếu nhìn nhận từ đầu dịch tả đến nay, giá thịt lợn chỉ tăng từ tháng 7 và đạt mức tăng mạnh nhất là từ tháng 10 trở lại đây ảnh hưởng lớn đến thị trường cuối năm.” Bà Ngọc cho biết.
Cũng theo bà Ngọc nhận định, kịch bản nền kinh tế trong năm 2020, sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp do các biến động trên thế giới, biến đối khí hậu,… Do đó, công tác điều hành, quản lý cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành cùng phối hợp.
Ngoài ra, cũng tại buổi họp báo, đại diện Tổng cục Thống kê cũng thông tin về một số số liệu đáng ghi nhận trong năm qua. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02% vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8% (Quý I tăng 6,82%, quý II tăng 6,73%; quý III tăng 7,48%; quý IV tăng 6,97%). Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.
Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD, trong đó ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn