Theo nhận định của số đông, hình thức nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, đối tượng là những loài cá truyền thống, ít có giá trị kinh tế, đầu ra bấp bênh, hầu như chỉ tiêu thụ nội địa… đã khiến nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt phát triển ì ạch.
Theo Chi cục Thủy sản Ninh Bình, năm 2013, toàn tỉnh có 7.500/10.200 ha diện tích nuôi thủy sản nước ngọt. Các đối tượng nuôi khá đa dạng. Ngoài những con nuôi truyền thống có hiệu quả kinh tế, ít đòi hỏi về kỹ thuật nuôi, rủi ro thấp như cá trắm, chép, mè, trôi… tỉnh đã khuyến khích mở rộng diện tích một số đối tượng có hiệu quả kinh tế cao như cá lóc bông, trắm đen, chép lai… Nhiều địa phương đã xây dựng được những vùng sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao như ở xã Khánh Thành (Yên Khánh), xã Yên Thắng (Yên Mô), Gia Xuân (Gia Viễn)…
Mặc dù có nhiều chuyển biến, diện tích, sản lượng, giá trị đều tăng, nhưng nuôi thủy sản nước ngọt nói chung, cá nước ngọt nói riêng trong tỉnh Ninh Bình vẫn chủ yếu là quảng canh cải tiến và bán thâm canh, còn thâm canh vẫn ở quy mô nhỏ; cơ sở hạ tầng ít được đầu tư, sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún nên việc tăng vốn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.
Cùng đó, các mô hình nuôi có hiệu quả cao đã thành công nhưng chưa được nhân rộng, vùng nuôi tập trung có hình thành nhưng chậm phát triển. Sản xuất giống tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương. Cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực nuôi thủy sản nước ngọt còn mỏng, đặc biệt là các vùng sản xuất trọng điểm.
Không dám mở rộng quy mô sản xuất là tâm lý chung của hầu hết người nông dân. Một người nuôi cá nước ngọt nhiều năm tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi thẳng thắn cho biết "nuôi nhiều thì bán thế nào?" .
Bởi nuôi càng dễ thì càng khó bán. Nên đã có nhiều trường hợp thà để đất trống chứ không dám đầu tư. Như gia đình ông Điều ở xã Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Ông cho biết, "nuôi cá trắm, rô phi rất đơn giản, chúng ăn tạp, bệnh ít, nhưng giá bán lên xuống thất thường, chưa kể tiêu thụ rất bấp bênh. Mà cũng không biết bán cho ai, sản lượng lớn thì không thể ra chợ bán từng cân". Đó là lý do mà dù nhiều năm gắn bó với cá truyền thống, nhưng ông vẫn chỉ duy trì quy mô nhỏ phục vụ gia đình là chủ yếu.
Lý giải tình trạng này, ông Võ Văn Kỹ, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho rằng: Cá truyền thống bị người tiêu dùng "kén"; còn cá chất lượng cao lại "kén" người nuôi. Hai cái "kén" này như hai gọng kìm, siết chặt nghề nuôi thủy sản nước ngọt. Chẳng hạn như, với các loài cá chép, mè, trôi, rô phi, trê… kỹ thuật không quá khó, nhưng với cá bống tượng, lăng nha, chình… lại khác. Không chỉ yêu cầu kỹ thuật cao mà để có được nguồn giống cũng rất nan giải. Chưa kể, nguồn vốn ban đầu lớn, thời gian nuôi kéo dài, nên rất khó để theo đuổi.
Tuy khó, nhưng không có nghĩa là không có cách gỡ. Để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực của nông dân, cần trợ sức từ các cấp, ngành chức năng bằng một sự vào cuộc thực sự. Đòi hỏi nhà quản lý phải thực sự tâm huyết, bắt tay với nông dân, đặc biệt là giải quyết tốt đầu ra. Bắt đầu từ việc khi đầu tư thực hiện mô hình nuôi thí điểm hay vùng nuôi tập trung, cần tính đến phương án bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, thậm chí mất mùa mất cả giá, đẩy nông dân vào cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội".
>> Hiện nay, người nuôi cá nước ngọt chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát, phần lớn mang tính chất gia đình, cung cấp thực phẩm tại chỗ chứ chưa thực sự biến thành sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn