Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc nhưng tình trạng trong vận chuyển, kinh doanh phân bón vẫn diễn ra ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của gần 15 triệu hộ nông dân, gây bức xúc trong dư luận.
Cụ thể, trong quý I năm 2014 lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 88 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 1.26 tỷ đồng, tịch thu 88.642 kg, 153 lọ, chai trị giá hơn 183 triệu đồng với các hành vi chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng; phân bón quá hạn sử dụng, không thuộc danh mục kinh doanh; phân bón nhập lậu.
Phân bón giả gây thiệt hại lớn cho DN sản xuất chân chính và ngươì nông dân. Ảnh minh hoạ |
Riêng trong năm 2013 kiểm tra gần 5000 vụ, phát hiện gần 1.500 vụ phi phạm (tăng 31% so với năm 2012), xử phạt hành chính 14,5 tỷ đồng, tịch thu 813.881 kg, gói và chai phân bón các loại. Phân bón giả được phất hiện chủ yếu ở các tỉnh Nam bộ như An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, chiếm 84,1% vụ vi phạm kém chất lượng và 80% vi phạm phân bón giả trên cả nước.
Tình trạng vận chuyển, kinh doanh phân bón giả vẫn diễn ra phức tạp. Tại Hội thảo quốc gia thực hiện Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý phân bón và chiến lược phát triển Nông nghiệp bền vững, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký TW Hội phân bón Việt Nam cho biết: “Phân bón làm giả dễ nhất trong các hàng hóa tiêu dùng. Chỉ cần cuốc, xẻng, đất và một số chất phụ gia cộng máy trộn là có thể làm giả phân bón”.
Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Thường trực TW Hội Nông dân VN cho biết:Thị trường đã xuất hiện nhiều loại phân bón giả nhưng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm các khâu sản xuất, kinh doanh, lưu hành thì còn rất nhẹ, không đủ sức răn đe. Một vấn đề nữa là phân bón vô cơ do bộ Công thương quản lý còn phân bón hữu cơ do Bộ Nông nghiệp quản lý.
Trao đổi về nghị định 202 về quản lý kinh doanh phân bón, ông Lê Mạnh Hùng đại diện Tập đoàn Dầu khí VN cho biết, trong quản lý nhà nước về phân bón chưa phân định rõ ràng giữa phân bón hữu cơ và vô cơ. Chẳng hạn, nhiều mặt hàng phân bón có cả phân hữu cơ vi sinh và phân vô cơ. Bất cập xảy ra là ai sẽ quản lý những loại phân bón này. Các DN lớn trong thời gian tới đều sẽ đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường, song việc có hai bộ cùng quản lý mặt hàng này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho DN sản xuất, một đơn vị phải chịu sự quản lý phức tạp. Do đó ông Hùng kiến nghị, cần hướng tới sự thống nhất trong quy định về quản lý nhà nước, nếu có thể hai bộ nên xem xét ban hành thông tư liên bộ để rõ ràng hơn trong việc quản lý nhà nước về phân bón đối với các DN.
Đại diện một DN sản xuất phân bón tư nhân cho rằng, việc hai bộ đứng ra quản lý có dẫn đến chông chéo không? Hay nên chăng một bộ quản lý một bộ giám sát. Thứ hai, để ngăn chặn tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng thì cần phải rà soát tất cả các đại lý trong cả nước.Tịch thu giấy phép kinh doanh những DN kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Bởi theo ông thông thường người nông dân không có tiền, đến đại lý họ đưa cho loại nào thì lấy loại đấy, có thể đến hết vụ rồi mới phải trả tiền nên không quan tâm đến chất lượng phân bón. Để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả cần tăng cường quản lý cả đầu vào lẫn đầu ra, cơ cấu lại quá trình phân phối, xử lý nghiêm, triệt để chứ không phải chỉ hô hào “suông”.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, trong thời gian tới cần phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn trong việc quản lý phân bón. Việc Bộ NN&PTNT công bố kết quả kiểm tra có 56,4% số mẫu phân bón không đạt chất lượng đã phản ánh tình trạng phân bón giả diễn ra rất phổ biến. Cần rà soát lại quy định trong Nghị định 163 về xử phạt hành chính. Thực tế nhiều trường hợp lúng túng không biết xử phạt như thế nào, bảo doanh nghiệp vi phạm nộp phạt 15 triệu, họ sẵn sàng đóng luôn 30 triệu đồng. Theo Phó Thủ tướng, việc rút giấy phép vĩnh viễn đối với DN sản xuất kinh doanh phân bón giả là hợp lý.
Bên cạnh đó nếu phát hiện phân bón giả ở địa phương nào thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm, không thể để tình trạng địa phương bán hàng giả mà lãnh đạo không biết…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn