Tuy nhiên, đến nay nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn từ phía Nhà nước vẫn thấp so yêu cầu thực tế. Chính sách tín dụng ưu đãi đã có nhưng nông dân khó tiếp cận, dẫn đến thiếu vốn sản xuất. Mặt khác, do phát triển còn thiếu quy hoạch, cho nên các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô để sản xuất hàng hóa có hiệu quả; mô hình quan hệ sản xuất thích hợp, mở đường cho phát triển sức sản xuất trong nông nghiệp chưa đủ rõ.
Từ những bất cập nêu trên, thời gian qua "bức tranh" nền nông nghiệp nước ta xuất hiện nhiều "gam mầu xám". Khởi đầu là vụ lúa đông xuân 2013-2014 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch đạt sản lượng cao, nhưng nông dân vẫn tiếp tục chịu cảnh "được mùa, mất giá". Tiếp theo, người trồng rau bắp cải, cà chua, dưa hấu ở Lâm Ðồng, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Ðồng Tháp cũng bị thua lỗ nặng khi đến kỳ thu hoạch phải bán rẻ, làm thức ăn cho bò, hoặc nhổ bỏ vì thương lái không mua. Nhiều hộ chăn nuôi gà, lợn ở các tỉnh Bắc Giang, Ðồng Nai..., lâm vào tình cảnh sản phẩm làm ra không tiêu thụ được khiến thua lỗ kéo dài do chi phí quá cao, phải đóng trại hoặc bỏ nghề. Nhiều người đã bỏ ruộng ra thành phố làm bất cứ việc gì, để có thêm thu nhập dù bấp bênh.
Nguyên nhân là do dự báo cung - cầu chưa tốt, chưa có kênh thông tin hữu ích để nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường tránh bị thương lái "thao túng" giá. Các cơ quan quản lý nhà nước đã có những nỗ lực nhất định, song xem ra những giải pháp áp dụng vào thực tế dường như chỉ mang tính đối phó, chưa đạt hiệu quả.
Hơn 70% dân số nước ta sinh sống ở nông thôn - khu vực tạo nguồn việc làm cho gần 50% số lao động xã hội; có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, nếu các cấp, bộ, ngành liên quan không có những điều chỉnh chính sách sát với thực tế, không thay đổi tư duy làm nông nghiệp, không có chiến lược phát triển nông nghiệp dài hơi, phù hợp với sản phẩm từng vùng, miền đặc thù; tạo đầu ra vững chắc cho nông sản..., thì e rằng tình hình nêu trên khó được cải thiện.