Việc lãi suất huy động tại một số NH rục rịch tăng trong thời gian gần đây phát đi thông điệp: Lãi suất cho vay sẽ khó có thể giảm thêm, đặc biệt là lãi suất cho vay trung dài hạn. Tuy vậy, cộng đồng DN vẫn hy vọng lãi suất giảm thêm để thúc đẩy sản xuất, như chỉ đạo của NHNN đối với NHTM, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung dài hạn thêm từ 1 - 1,5%/năm, hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển. Thực tế, vốn rẻ vẫn còn “cửa” để DN tiếp cận.
Điều chỉnh cơ cấu dư nợ và đầu tư hợp lý hơn |
Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Oanh (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, hiện công ty đang thực hiện nhiều dự án đầu tư giáo dục, xây lắp, vận tải… nên cần vốn lớn. Trong khi trên thực tế, lãi suất cho vay trung dài hạn hiện vẫn còn ở mức từ 9 - 11%/năm, khá cao so với tình hình phát triển kinh tế giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, do là khách hàng truyền thống của Agribank và BIDV chi nhánh Đông Anh, nên công ty được NH hỗ trợ nhiều.
“Thời gian qua, chúng tôi được vay vốn lãi suất ưu đãi từ chương trình kết nối NH - DN, giúp công ty giảm bớt áp lực về lãi suất. DN vẫn mong muốn NH sẽ có nhiều chương trình cho vay trung dài hạn lãi suất thấp để có thể giúp DN đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh”, bà Oanh chia sẻ.
Giảm lãi suất cho vay trung dài hạn trên thực tế vẫn là chủ trương xuyên suốt, đang được các chi nhánh NHNN thực hiện. Lãnh đạo NHNN Chi nhánh Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, các TCTD trên địa bàn tập trung đẩy mạnh các biện pháp tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi. Đồng thời đã chú trọng đến việc điều chỉnh cơ cấu dư nợ và đầu tư hợp lý hơn, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và ưu tiên tập trung vốn cho vay sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cho vay DNNVV; DN xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao...
Hiện nay, do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tốt hơn và các TCTD điều chỉnh lãi suất cho vay hợp lý nên hoạt động tín dụng đã được cải thiện, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn 6 tháng đầu năm khá tốt. Đến 30/6/2015, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn đạt 1.101.868 tỷ đồng, tăng 9,02% so với 31/12/2014 và tăng 19,56% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 51,1% so với tổng dư nợ và tăng 8,68%; dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 48,9% và tăng 8,72% so với cuối năm 2014.
Từ những con số trên cho thấy, dư nợ cho vay trung dài hạn đang có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm 2015. Trong khi đó, thanh khoản của các TCTD vẫn dồi dào. Đại diện NHNN Chi nhánh Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng trưởng khá. Các TCTD đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng trưởng nguồn vốn huy động, dịch chuyển dần cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng tỷ trọng nguồn tiền gửi trung dài hạn để cải thiện cơ cấu nguồn vốn.
Lãnh đạo một NHTMCP trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, trong cơ cấu nguồn vốn của các NH thì vốn ngắn hạn vẫn chiếm phần lớn, nhưng tỷ lệ tiền gửi trung dài hạn đã cao hơn trước, nên NH cũng đẩy mạnh cho vay trung dài hạn. DN có thể vay vốn để mở rộng kinh doanh và các dự án đầu tư bao gồm mua sắm máy móc, các loại xe thương mại, trang thiết bị văn phòng, xây dựng hoặc tu sửa lại cơ sở kinh doanh… Ngoài ra, các NH cũng tập trung tìm kiếm khách hàng, tăng hạn mức cho vay cũng như đẩy mạnh hoạt động triển khai gói cho vay ưu đãi trong chương trình kết nối NH - DN.
Thực hiện chương trình kết nối NH - DN, các NHTM, chi nhánh NHTM trên địa bàn Hà Nội đã cam kết cho vay 51.328 tỷ đồng; đã thực hiện giải ngân 38.858 tỷ đồng cho 2.383 lượt DN (bao gồm 23.112 tỷ đồng điều chỉnh lãi suất cho 1.033 DN và 16.138 tỷ đồng ký kết hạn mức tín dụng mới cho hàng nghìn DN). Lãi suất cho vay phổ biến từ 6 - 8%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, từ 8,5 - 10,5%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn.
Nguyễn Minh
theo thoibaonganhang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn