Ông Lê Văn Cung, ngụ tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cho hay, gia đình ông đầu tư 600 cọc tiêu từ năm 2012, đến khi thu hoạch đúng vào “thời hoàng kim” của giá tiêu (giá bán tại vườn lên đến 195.000 đồng/kg), mỗi mùa gia đình ông thu được gần 250 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí (phân bón, nhân công hái tiêu). Để an tâm dưỡng già, ông đầu tư thêm 400 cọc mới, với hy vọng thu nhập ổn định.
Kiên quyết giảm diện tích trồng hồ tiêu ở mức hợp lý |
Nhưng ông đã bị hớ, bởi từ năm 2016 đến nay giá tiêu liên tục giảm, thu nhập của gia đình ông từ vườn tiêu chỉ còn ngót nghét vài chục triệu/năm, thiếu tiền chăm bón cho vườn tiêu, nên lại thất mùa. Sau mỗi mùa thu hoạch, ông chỉ còn biết trữ tiêu khô lại càng lâu càng tốt để chờ giá tốt hơn.
Tuy vậy, theo báo giá mới nhất từ Phòng Nông nghiệp huyện Chơn Thành ngày 12/7/2018, giá tiêu thu mua tại nhà của doanh nghiệp và thương lái chỉ còn 52.000 đồng – 53.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong 10 năm qua, khiến người nông dân trồng hồ tiêu như ông Lê Văn Cung muốn bỏ vườn tiêu.
Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tổng nhu cầu hồ tiêu trên thế giới vào khoảng 350.000 tấn/năm, trong đó, nguồn cung từ Việt Nam là 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu. Hiện nay, có tới 95% sản lượng sản xuất tiêu của Việt Nam được dùng để xuất khẩu. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới cả về quy mô lẫn sản lượng.
Và việc giá tiêu bị động như hiện nay là do nguồn cung trong nước đang vượt cầu. Diện tích trồng tiêu tự phát đã vượt quá hạn quy hoạch mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra. Hiện nay, diện tích hồ tiêu cả nước gần 160.000 ha, vượt quy hoạch định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới năm 2030 đến 300%. Còn trên thế giới, các quốc gia như Brazil, Campuchia và Trung Quốc… cũng đang không ngừng gia tăng diện tích trồng hồ tiêu.
Hệ lụy của việc tăng diện tích trồng tiêu tự phát trong nước là làm dư cung, giảm giá sản phẩm, Bên cạnh đó, nhiều địa phương có thổ nhưỡng không phù hợp cũng trồng tiêu khiến giảm năng suất, thiệt hại cho nhà nông. Trên thị trường xuất khẩu, hồ tiêu của Việt Nam phần lớn bán ở dạng thô, chưa đa dạng hóa sản phẩm, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu, điều kiện bảo quản và chế biến sâu chưa được đầu tư nhiều. Đối với người trồng, thông tin về kỹ thuật sản xuất và thị trường đến còn hạn chế, hiện tượng thương lái thao túng thị trường vẫn xảy ra.
Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), giá tiêu hiện nay vẫn trong xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào và thị trường xuất khẩu chưa có tín hiệu khởi sắc. Để vượt qua khó khăn hiện tại, ngành tiêu Việt Nam phải chủ động được lợi thế là nắm giữ nguồn cung lớn, ngừng bán khi giá giảm xuống và kiên quyết giảm diện tích trồng hồ tiêu ở mức hợp lý.
Theo ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh (một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu tiêu lớn ở TP. Hồ Chí Minh), hiện tại Việt Nam và Campuchia đã qua vụ thu hoạch chính, nhưng nhiều nước khác (như Trung Quốc) đang vào vụ. Hồ tiêu khô có thể giữ lâu được, nên nhà nông có thể dự trữ sản phẩm lại, không nên bán ra ồ ạt khi giá thấp. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng nên giảm việc ký hợp đồng trước (hiện nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bán trước cả năm 2018 ở mức dưới giá thành).
Theo thời báo ngân hàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn