Chưa có năm nào giá gừng cao như năm nay. Đầu vụ tháng 2.2014, bán tại vườn 40.000 đ/kg, sang trung tuần tháng 6 đã lên tới 80.000 đ/kg.
Thông tin trên do ông Trần Văn Thanh - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 1, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết.
Giá gừng tăng gần gấp đôi so với cách đây 2 tháng
Trao đổi với PV, anh Võ Thanh Phong (ngụ ấp 1, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh) cho biết, trước đây gia đình anh chủ yếu là trồng rau màu. Do mấy năm giá cả bấp bênh không ổn định, tháng 4 năm 2012, anh chuyển qua trồng thử nghiệm 2.000 m2 gừng. Hồi mới trồng do không có kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm, gừng bị chết nhiều.
Không nản chí, anh lặn lội tìm kiếm thông tin trên sách báo, học hỏi kinh nghiệm những người trồng trước về áp dụng cho vườn gừng của gia đình. Gừng được chăm sóc đúng kỹ thuật, phát triển tốt.
“Hiện giờ gia đình tôi đã phát triển lên 7.000 m2 gừng. Năm nay bà con ai cũng phấn khởi vì giá bán lên tới 75.000 – 80.000 đ/kg” – anh Phong hồ hởi nói.
Tương tự, anh Trần Văn Tùng, ngụ cùng xã, cho biết: “Gia đình tôi đã trồng gừng được trên 10 năm. Trước đây kinh tế khó khăn lắm, vốn liếng ban đầu chỉ mua được 11 kg gừng giống về thử nghiệm thôi. Từ đó, cứ vừa trồng vừa nhân giống, nhờ mấy năm trúng giá, được mùa nên tới giờ tôi đã có 5.000 m2 gừng”.
Anh Tùng cho hay, gừng không chỉ là một loại gia vị phổ biến trong các món ăn của người Việt, gừng còn là loại thảo mộc có ích cho sức khỏe. Chính vì nhiều công dụng nên thị trường tiêu thụ gừng ngày càng rộng mở.
Về nguyên nhân giá gừng tăng đột biến, nhiều nông dân cho biết, do đây là mùa gừng trái vụ nên sản lượng không nhiều. Đồng thời năm ngoái mưa bão nhiều, lượng gừng bị thối lớn nên sản lượng sụt giảm. Gừng thu hoạch được bao nhiêu, thương lái về tận vườn thu mua hết bán lại cho các Cty để XK, cung không đủ cầu nên gừng càng khan hiếm và sốt giá.
Chị Nguyễn Thị Lan, một thương lái gừng ở chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, nguồn gừng tươi cung cấp cho TP.HCM chủ yếu của các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Lăk, Đăk Nông, Buôn Mê Thuột, Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây, cộng thêm nguồn gừng của Trung Quốc. Riêng gừng của Trung Quốc hiện một số thương lái không mua nữa nên giá đẩy lên rất cao.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay người nông dân đang gặp khó khăn về khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Anh Võ Thanh Phong cho biết, muốn bán gừng có giá cao hơn nữa thì phải bảo quản trong thời gian dài, bán vào thời điểm trái vụ, nhưng việc bảo quản như thế nào? Nếu bảo quản 100 – 200 kg trong vòng 2 tháng thì người dân có thể làm được; nhưng bảo quản 1 – 2 tấn gừng trở lên thì người dân chúng tôi không làm được, gừng sẽ bị mọc cây ngay.
“Đây là vấn đề mà nông dân trăn trở, rất mong ngành nông nghiệp quan tâm hơn nữa, hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản sản phẩm gừng sau thu hoạch để bà con áp dụng, nâng cao sản lượng, cũng như chất lượng gừng để hướng tới thị trường XK”.
Hiện tại, sản phẩm gừng của Việt Nam đã XK sang thị trường các nước như Lào, Campuchia, Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ…
Theo danviet.vn