Kết quả kép từ ba điểm nhấn kinh tế vĩ mô
Tăng trưởng GDP được đánh giá không chỉ cao về tốc độ, mà còn giữ và nâng cao về chất lượng tăng trưởng. |
Tăng trưởng kinh tế cao
Năm 2019 tăng trưởng kinh tế đạt kết quả kép. Kết quả kép được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.
Tăng trưởng của năm 2019 vừa góp phần đưa tốc độ tăng bình quân năm của thời kỳ 2016-2019 cao hơn của thời kỳ 2011-2015 (6,73% so với 5,91%), vừa cao hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (6,6-6,8%).
Tăng trưởng 2019 không những cao khi so sánh ở trong nước mà còn thuộc loại cao khi so sánh với thế giới. Tốc độ tăng GDP năm 2019 của Việt Nam cao gấp đôi tốc độ tăng bình quân của thế giới (được dự báo tăng khoảng 3%), của nhiều nước.
Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành, trong đó nhóm ngành công nghiệp- xây dựng tăng cao nhất, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo- một tiêu chí quan trọng để trở thành nước công nghiệp- tăng 2 chữ số. Nhóm ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất.
Tăng trưởng cao vượt mục tiêu, nhưng không gây ra những hiệu ứng phụ về lạm phát, nợ xấu, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài/GDP,… trái lại các chỉ tiêu trên còn giảm và còn thấp hơn mục tiêu; dự trữ ngoại hối tăng,…
Tăng trưởng GDP không chỉ cao về tốc độ (số lượng), mà còn giữ và nâng cao về chất lượng tăng trưởng. Hiệu quả đầu tư được cải thiện thể hiện ở hệ số ICOR thấp hơn trước. Hệ số ICOR (cho thấy để tăng 1 đồng GDP thì phải đầu tư bao nhiêu đồng vốn) năm 2019 ước đạt 5,95 lần (thấp hơn mức 6,25 lần của thời kỳ 2011-2015, mức 6,17 lần của thời kỳ 2016-2018). Tốc độ tăng năng suất lao động tiếp tục cao (gần 6%). Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng GDP tăng nhanh từ 33,58% thời kỳ 2011-2015, lên 43,29% thời kỳ 2016-2018, khả năng 2019 vượt qua mốc 45% (cùng với sự giảm xuống của tỷ trọng tăng số lượng lao động và tăng lượng vốn đầu tư vào tốc độ tăng GDP tương ứng từ 66,42% xuống 56,71% và xuống 55%). Theo đó, tăng trưởng GDP bước đầu chuyển đổi mô hình từ chủ yếu dựa vào tăng vốn, tăng số lao động, sang mô hình dựa vào tăng hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động, tăng TFP.
Năm 2020, mục tiêu tăng trưởng được đề ra trên cơ sở số ước tính của Chính phủ trong kỳ 9 tháng đầu năm (6,8%) có tính thận trọng. Do vậy, mục tiêu này có tính khả thi, khi thể chế tiếp tục được đổi mới mạnh hơn, nhất là tính thị trường tăng. Môi trường khởi nghiệp, kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Nền kinh tế số được khởi động mạnh hơn sau khi Chính phủ có Đề án chuyển đổi số quốc gia. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP vẫn thuộc loại cao là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng kinh tế, cộng hưởng với việc tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư và tốc độ tăng năng suất lao động. Với 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, kỳ vọng FTA đã ký (EVFTA), đang đàm phát (RCEP, Việt Nam- EFTATA, Việt Nam- Ixrael FTA) sẽ ký hoặc có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho đầu tư, xuất khẩu.
Bên cạnh nhiều cơ hội, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2020 cũng gặp những thách thức không nhỏ. Nông nghiệp ở nhiều vùng, nhiều ngành vẫn chủ yếu là “lấy công làm lãi”. Công nghiệp nhiều ngành vẫn còn mang nặng tính “gia công, lắp ráp” làm cho thực thu thấp, nhập khẩu tăng, cạnh tranh giành thị phần tiêu thụ của sản xuất trong nước. Tỷ trọng trong GDP của kinh tế thực nhỏ hơn kinh tế dịch vụ, độ mở của nền kinh tế cao, nên tác động tiêu cực từ bên ngoài đến trong nước nhanh, mạnh, rộng hơn,…
Kiểm soát lạm phát
Kết quả kép của việc kiểm soát lạm phát năm 2019 được xét trên 2 phương diện.
Ở phương diện thứ nhất là xét về mặt so sánh. CPI bình quân vừa không tăng cao như thời kỳ 2004-2013 (tăng 10,52%/năm), cũng không tăng thấp như thời kỳ 2014-2016 (tăng 2,46%/năm), thấp hơn 2 năm trước (2017 tăng 3,53%, 2018 tăng 3,54%); vừa tăng thấp hơn mục tiêu (dưới 4%).
Theo đó, từ năm 2017 đến nay, tư duy “kiềm chế lạm phát” đã chuyển thành tư duy “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu”. Đây được coi là một thành công, từ việc xác định mục tiêu lạm phát hợp lý (thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, thấp hơn mức lãi suất gửi tiết kiệm, thấp hơn tốc độ tăng thu nhập danh nghĩa,…), đến việc chủ động, linh hoạt có các giải pháp kiểm soát để tránh CPI tăng cao hơn nhiều hoặc thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Ở phương diện thứ hai là xét về mặt tác động. CPI năm 2019 vừa góp phần để tăng trưởng kinh tế cao, vừa góp phần cải thiện mức sống thực tế, vừa không gây ra những hiệu ứng phụ, mà trái lại và nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia…
Việc kiểm soát lạm phát đạt kết quả kép do nhiều yếu tố. Có yếu tố tổng quát là do sản xuất trong nước (GDP) lớn hơn tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng, tổng cung lớn hơn tổng cầu ở trong nước (thể hiện ở xuất siêu năm thứ tư liên tiếp), tất yếu sẽ dẫn đến CPI tăng thấp. Có yếu tố tiềm ẩn, sâu xa là chất lượng tăng trưởng, thì năm nay có sự cải thiện.
Có yếu tố trực tiếp tác động và làm cho lạm phát bộc lộ ra là tài chính, tiền tệ. Về tài chính, tỷ lệ so với dự toán năm và tốc độ tăng so với năm trước của tổng thu ngân sách cao hơn của tổng chi ngân sách; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu năm nay cao hơn so với 2 năm trước; tỷ lệ bội chi ngân sách thấp hơn năm trước và thấp hơn dự toán,…
Về tiền tệ, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán thấp hơn tốc độ tăng tín dụng và tốc độ tăng tín dụng thấp hơn tốc độ tăng tiền gửi; tỷ lệ nợ xấu giảm; dự trữ ngoại hối tăng; tỷ giá ổn định; chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giảm thiểu.
Có yếu tố quan trọng là điều hành của Nhà nước đối với lạm phát, từ việc xác định mục tiêu lạm phát hợp lý, đến việc chuyển đổi tư duy, chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện lộ trình giá thị trường, xác định tỷ giá trung tâm,…
Năm 2020, mục tiêu tăng CPI bình quân năm dưới 4%. Đây là cơ hội cho việc thực hiện, do mục tiêu có tính thận trọng, khi cao hơn năm trước, khi từ năm 2017 đến nay đã có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, chủ động linh hoạt có giải pháp phù hợp với diễn biến, tiến độ tăng, giảm CPI theo thời gian trong năm. Tăng trưởng GDP vẫn ở mức khá. Việc thực hiện các FTA thì giá hàng nhập khẩu được giảm thuế sẽ thấp hơn. Năm 2020 có kế hoạch nhập siêu lớn, sẽ làm tăng lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng. Dự trữ ngoại hối, lượng kiều hối, xuất khẩu dịch vụ du lịch, FDI thực hiện năm 2019 đạt kỷ lục,… góp phần ổn định tỷ giá, giảm sức ép tâm lý kỳ vọng lạm phát,…
Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu trên cũng có những thách thức không nhỏ, do tác động của nhiều yếu tố trên thế giới và trong nước. Trên thế giới, nhiều nước tiếp tục thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, tiếp tục giảm lãi suất cơ bản hoặc giữ ở mức rất thấp, thậm chí còn tung ra các gói kích thích kinh tế lớn,… sẽ làm cho giá cả thế giới tăng lên.
Ở trong nước, giá thực phẩm nói chung và giá thịt lợn nói riêng sẽ tăng cao vào dịp tháng 1 (chu kỳ tính CPI tháng 1/2020 từ 21/12/2019) và tháng 2 với tiền thưởng cuối năm, mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán đến sớm, mùa lễ hội…
Xuất nhập khẩu
Xuất siêu năm 2019 đạt kết quả kép:
(1) Là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp; có mức xuất siêu lớn nhất (trên 10 tỷ USD) và có tỷ lệ xuất siêu (so với xuất khẩu) cao nhất (trên 4%) từ trước đến nay.
(2) Mức xuất siêu và tỷ lệ xuất siêu ngược chiều so với mức nhập siêu và tỷ lệ nhập siêu của kế hoạch (tương ứng là 7,8- 8 tỷ USD và 4%); cũng ngược chiều với dự đoán của nhiều người khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung xảy ra và khi nhiều đối tác thương mại của Việt Nam phá giá mạnh đồng nội tệ.
Xuất siêu lớn và có tác động về nhiều mặt. Góp phần bù đắp sự thâm hụt trong cán cân dịch vụ (nhập siêu khoảng 3 tỷ USD), làm cho cán cân thanh toán tổng hợp thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng và đạt mức kỷ lục, góp phần bình ổn tỷ giá, hạn chế găm giữ ngoại tệ. Xuất siêu có tác động trở lại đối với tăng trưởng GDP ở trong nước, do xuất siêu đồng nghĩa với việc GDP đã lớn hơn tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng, sẽ kích thích sản xuất GDP trong nước tăng không bị hàng nhập siêu cạnh tranh giành giật bớt thị phần…
Xuất siêu do nhiều yếu tố. Nhìn tổng quát, do xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội. Tổng kim ngạch cao nhất từ trước đến nay, về mức tuyệt đối (ước đạt trên 262 tỷ USD). Tuy tỷ lệ so với GDP thấp hơn năm trước (98,7% so với 99,5%), nhưng vẫn thuộc loại cao nhất thế giới. Bình quân đầu người đạt 2.765 USD, cao hơn nhiều so với các năm trước. So với năm trước, xuất khẩu tăng khoảng 8%, cao hơn tốc độ tăng GDP và đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả 2 khu vực. Nét vượt trội của năm nay là khu vực kinh tế trong nước nếu những năm trước tăng chậm, thậm chí có năm còn bị giảm, thì năm nay tăng cao gấp 5 lần tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và cao gấp đôi tốc độ tăng chung.
Tăng trưởng đạt được ở nhiều mặt hàng, trong đó có 32 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Đặc biệt lần đầu tiên có 1 mặt hàng (điện thoại) vượt qua mốc 50 tỷ USD.
Tăng trưởng đạt được ở nhiều thị trường, trong đó có những thị trường có tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung và có thị trường có mức tăng trên 500 triệu USD. Có 7 thị trường tăng trên 1 tỷ USD, trong đó có những thị trường tăng trên 5 tỷ USD.
Nếu tính cả xuất và nhập khẩu thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đạt gần 515 tỷ USD, cao hơn mức kỷ lục 480,5 tỷ USD đã đạt trong năm trước. Nếu cộng cả xuất, nhập khẩu dịch vụ (ước đạt 35 tỷ USD), thì năm nay đã cao hơn kỷ lục đã đạt trong năm trước về tổng mức (550 tỷ USD so với 514 tỷ USD). Tuy tỷ lệ so với GDP có bị thấp hơn năm trước một chút (207,5% so với 209,5%), nhưng vẫn thuộc loại cao nhất thế giới.
Năm 2020, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu là 7%, tính ra sẽ vào khoảng trên 280 tỷ USD; tỷ lệ nhập siêu 3%, tính ra khoảng 8,5 tỷ USD. Cơ hội có nhiều, trong đó có việc một số FTA thế hệ mới có hiệu lực; tăng trưởng kinh tế giữ ở mức cao; đầu tư nước ngoài tăng; một số mặt hàng sẽ không còn giảm như 2019 như gạo, thủy sản, cà phê, hạt điều, tiêu, rau quả…
Tuy nhiên, nhập khẩu có xu hướng tăng cao khi thuế suất thuế nhập khẩu giảm; một số mặt hàng gặp khó khăn về thị trường do nhu cầu đã tương đối bão hòa; tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước còn thấp; tính gia công lắp ráp còn cao nên thực thu thấp, nhập khẩu tăng… Song có thể dự đoán không nhập siêu lớn như kế hoạch.
theo Đào Ngọc Lâm/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn