Tại buổi lễ, Ban tổ chức thông tin, ngày 19/4/2019, 8 tấn xoài đầu tiên của Việt Nam sẽ được Công ty Cổ phần Quốc tế Logistics Hoàng Hà vận chuyển đến Hoa Kỳ. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu là DN chịu trách nhiệm xuất khẩu mặt hàng trái cây thứ 6 này của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ và Công ty trái cây nhiệt đới Đại Tân là DN nhập khẩu xoài tại Hoa Kỳ.
Để xuất khẩu trái xoài tươi vào Hoa Kỳ, sản phẩm xoài tươi phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam cũng như Hoa Kỳ. Trong đó, vùng trồng xoài, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Bộ NN&PTNT và Cơ quan Kiểm dịch Động Thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã số phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc. Mọi lô hàng trước khi xuất khẩu phải được xử lý chiếu xạ, kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Đến nay, sản phẩm xoài của Việt Nam đã xuất khẩu đến 40 nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, EU, Úc, Canada, Hồng Kông...
Phát biểu tại Lễ Công bố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng vui mừng cho biết, để có được lô xoài đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ, cùng với sự cố gắng của Bộ NN&PTNT, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều đầu tư cho ngành hàng thế mạnh này. Ông Hùng thông tin, hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 9.650ha xoài với sản lượng hằng năm gần 127.000 tấn, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Hùng, thời gian qua, với việc chọn cây xoài là 1 trong 5 ngành hàng thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung ứng dụng nhiều mô hình khoa học công nghệ mới vào sản xuất, cụ thể như: rải vụ thu hoạch xoài, bao trái xoài, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), GlobalGAP. Ngoài ra, để nâng cao sức cạnh tranh cho trái xoài, Đồng Tháp còn tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xác nhận cấp mã vùng trồng xoài để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ Blockchain, công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến… Qua đó, góp phần gia tăng giá trị cho ngành hàng xoài.
Xoài cát chu Cao Lãnh
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, để trái xoài vào được thị trường Mỹ, Việt Nam đã nộp hồ sơ xin mở cửa thị trường từ năm 2009.
"Trong suốt 10 năm qua, cơ quan kiểm dịch thực vật của 2 nước đã có nhiều cuộc trao đổi kỹ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Sau nhiều nỗ lực đàm phán, cơ quan kiểm dịch thực vật của hai bên đã đạt được thỏa thuận về điều kiện nhập khẩu xoài và kế hoạch xử lý bằng chiếu xạ khi xuất khẩu xoài từ Việt Nam. Để đánh dấu sự kiện Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu xoài tươi sang thị trường nội địa của Hoa Kỳ, ngày 18/2/2019, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Văn phòng Cục Kiểm dịch Động Thực vật (APHIS) đã tổ chức Lễ công bố xuất khẩu xoài của Việt Nam sang Hoa Kỳ", thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.
Nhận định về tiềm năng và triển vọng trong xuất khẩu đối với trái xoài, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, trong các thị trường khó tính nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam, Mỹ là thị trường có số lượng nhập khẩu lớn nhất, trong đó sản phẩm chiếm số lượng nhiều nhất là thanh long, chôm chôm, nhãn và mới đây là vú sữa. Theo các DN xuất khẩu trái cây, mỗi năm Mỹ phải nhập gần 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ. Trong khi đó, sản lượng xoài nội địa của Mỹ chỉ đạt khoảng 3.000 tấn/năm.
Việt Nam có lợi thế rất lớn trong xuất khẩu xoài do có sản lượng lớn và đa dạng về chủng loại trái cây này. Và, việc Hoa Kỳ cấp “giấy thông hành” cho trái xoài sẽ là cơ hội lớn để nâng cao tỷ trọng xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào thị trường này trong thời gian tới. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng lưu ý, việc mở được thị trường đã khó nhưng giữ thị trường lại càng khó hơn. Do đó, đề nghị DN cần xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, cụ thể là cùng liên kết với nông dân, hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, bền vững. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các DN xuất khẩu nên đầu tư chuyên nghiệp cho các khâu như: sơ chế, đóng gói... nhằm đảm bảo các tiêu chí của nhà nhập khẩu.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Megan Francic - Tùy viên Nông nghiệp của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ cho biết: “Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực tạo ra nhiều cơ hội cho thương mại hai chiều về trái cây tươi, để người tiêu dùng 2 nước có thể mua nhiều loại trái cây tươi với giá thấp hơn”.
Theo BBT (mard.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn