Ngày 17-7, ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết giá gạo xuất khẩu đang ổn định ở mức 390 USD/tấn, tăng khoảng 10 USD so với vài tuần trước. Trong khi đó, giá lúa thu mua ở ĐBSCL đang nhích lên. Giá lúa khô tại kho loại thường trong tuần này dao động từ 5.450-5.550 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg so với tuần trước; lúa dài từ 5.650-5.750 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg.
Phải chi VFA có dự báo!
Ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty CP Gentraco (TP Cần Thơ), phân tích: “Giá lúa gạo tại ĐBSCL có nhích lên vì các doanh nghiệp (DN) đang gấp rút chuyển hàng cung ứng 800.000 tấn gạo cho Philippines. Thời gian phải giao hàng là giữa tháng 8, các DN không còn thời gian gia hạn nên đẩy mạnh thu mua lúa trong dân”.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa Ảnh: CA LINH
Tuy giá lúa gạo tăng nhưng nhiều nông dân không vui. Anh Nguyễn Thanh Phong (Trà Vinh) bùi ngùi: “Tôi đã bán hết lúa hè thu cho thương lái cách nay gần 1 tháng với giá khá thấp so với hiện nay và tính ra trung bình mỗi công lời chưa tới 2 triệu đồng”. Theo anh Phong, do gia đình không có kho chứa lại thu hoạch ngay đợt mưa dầm nên phải bán lúa để có tiền trả nợ cho đại lý vật tư.
“Tôi có nghe thương lái bảo họ mua lúa giá thấp vì nước ta không ký thêm được hợp đồng xuất khẩu. Nhưng họ nói vậy để ép giá nông dân chúng tôi. Mà nếu không bán cho thương lái thì bán cho ai?” - anh Phong bức xúc. Ông Nguyễn Phú Quốc (Đồng Tháp) cho biết cách nay hơn 1 tuần, ông đã thu hoạch hơn 3 ha lúa IR 50404 và cân bán cho thương lái với giá từ 4.500- 4.600 đồng/kg. “Tôi thấy tiếc khi trong tuần này giá lúa đã nhích lên được từ 4.700 - 4.800 đồng/kg” - ông Quốc nói.
Ông Nguyễn Thế Tự - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - cho biết giá lúa trên địa bàn tăng khoảng 100 đồng/kg so với 2 tuần trước. Ông Tự đặt vấn đề: “Thương lái đang “săn lùng” lúa vì nghe đâu Việt Nam ký kết được hợp đồng xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, cách làm này nhiều năm qua đã bộc lộ hạn chế. Từ đầu vụ, phải chi VFA dự báo được tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng như thị trường, giá cả… để nông dân dựa vào đó mà yên tâm sản xuất. Còn đằng này, tới đầu vụ, nông dân gieo trồng rồi thì VFA mới nói là không tìm được thị trường, đẩy giá lúa xuống thấp khiến nông dân chịu thiệt”.
Phụ thuộc vào xuất khẩu
Theo ThS. Nguyễn Phước Tuyên, Trưởng Phòng Nghiên cứu Khoa học và Thông tin Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam vừa trúng thầu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo, trong đó bán cho Philippines 800.000 tấn và Malaysia 200.000 tấn. Ngoài ra, gạo Việt Nam cũng sẽ bớt sức ép cạnh tranh do Ấn Độ đang chịu hạn hán. Hiện gạo Việt Nam 5% tấm vào giữa tháng 7 xuất khẩu có giá 425 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với đầu tháng, 15 USD/tấn so với tháng 6 và tăng 40 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013. “Với tình hình xuất khẩu như hiện nay, giá lúa trong nước sẽ giữ được từ mức này trở lên để nông dân có lãi” - ông Tuyên dự báo.
Được biết, tính đến nay, vùng ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 500.000/1,6 triệu ha lúa hè thu. Theo VFA, bây giờ đang thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa hè thu nên các DN tập trung mua vào để thực hiện các hợp đồng trong thời gian tới. “Với tình hình này, khả năng mục tiêu xuất khẩu 7,2 triệu tấn gạo trong năm nay có phần khả thi” - ông Linh khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng việc chúng ta chỉ trông chờ vào thị trường xuất khẩu nhưng không dự báo được tình hình sẽ luôn đẩy nông dân vào cảnh chịu thiệt. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận dịnh: “Đáng lẽ DN phải có thị trường trước, từ đó lên kế hoạch 1 năm xuất bao nhiêu rồi đặt hàng nông dân. Nhưng hiện nay,ngành lúa gạo Việt Nam đi ngược lại: Nông dân cứ trồng, khi có nhu cầu, thị trường thì DN mới mua”.
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, nhờ thực hiện liên kết trong sản xuất, tại tỉnh đã có đến gần 30% nông dân được bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp. Số nông dân này cũng không mua vật tư nông nghiệp theo kiểu thiếu, chịu lãi ở các đại lý nên giá thành sản xuất lúa giảm đến hơn 650 đồng/kg và lãi cao hơn. |
Theo NLĐO