Nguồn cung gián đoạn
Tuy nhiên, tình hình có sự cải thiện khá nhanh sau khi Thái Lan đảo chính và Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO) của quân đội nắm quyền, đang xem xét lại các hoạt động của ngành gạo nước này. Hiện NCPO tạm ngưng cung cấp gạo tồn kho để chờ kiểm kê. Đây là một khoảng trống trên thị trường trong khi chờ đợi diễn biến tiếp theo, các nhà xuất khẩu gạo Thái không chào hàng và giá tăng do thiếu nguồn cung cấp từ kho chính phủ. Nguồn cung của Thái Lan tạm thời bị gián đoạn buộc các nhà nhập khẩu phải tìm nguồn thay thế và Việt Nam là một trong những nguồn thay thế. “Biến động tại Thái Lan đã khiến nhiều nhà nhập khẩu lớn như Malaysia, Indonesia, Philippines... đang quay lại xúc tiến mua gạo Việt Nam” - ông Lâm Định Quốc, giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, cho biết.
Giới thiệu gạo tại Mexico Từ ngày 24 đến 31-6, VFA đã tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tại Mexico với chương trình tham dự tọa đàm giới thiệu sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam, thiết lập quan hệ thương mại gạo giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo Việt Nam - Mexico và làm việc với cơ quan hữu quan Mexico để góp phần tháo gỡ rào cản về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam vào Mexico trong thời gian tới. |
Cụ thể là trong tuần trước, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã ký hợp đồng bán 200.000 tấn gạo 5% tấm cho Tập đoàn Bernas của Malaysia giao hàng từ tháng 7 đến tháng 9-2014. Theo ông Huỳnh Thế Năng, tổng giám đốc Vinafood 2, trước đó phía Malaysia ký hợp đồng mua 800.000 tấn gạo của Thái Lan nhưng do gián đoạn trong giao hàng nên họ đã chuyển sang mua của Việt Nam. Một điểm tích cực trong hợp đồng này là thay vì luôn yêu cầu mua gạo vụ đông xuân, Malaysia chấp nhận mua gạo vụ mùa, điều này tạo thuận lợi cho tiêu thụ lúa gạo hàng hóa các tháng cuối năm. Cũng theo ông Huỳnh Thế Năng, các thị trường tập trung tại châu Á đang quay trở lại, trong đó Philippines ngoài 800.000 tấn gạo trúng thầu hồi đầu năm và Malaysia mới ký 200.000 tấn sẽ tiếp tục mua thêm từ nay đến cuối năm. Thị trường Indonesia cả năm 2013 không xuất khẩu được, nay họ chủ động tiếp xúc với phía Việt Nam và có thể sẽ nhập khẩu gạo trở lại vào tháng 8, tháng 9, tương tự Bangladesh cũng đã quay lại. Những thông tin trên đã giúp giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng thêm khoảng 10 USD/tấn so với đầu tháng 6. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 405-415 USD/tấn và gạo 15% tấm được được chào bán ở mức 360-370 USD/tấn.
Lưu ý thị trường Trung Quốc
Nhận định của VFA cho rằng lượng gạo hàng hóa tồn trong sáu tháng cuối năm của Việt Nam vào khoảng 3,3 triệu tấn sẽ tiếp tục là thách thức cho khâu tiêu thụ. Do đó, các thị trường tập trung và thị trường thương mại truyền thống vẫn là nơi tiêu thụ chính. Ngoài ra, dù áp lực xuất khẩu bằng mọi giá sang Trung Quốc không còn nhưng đây vẫn là thị trường cần quan tâm vì nếu thị trường này tiêu thụ mạnh thì giá gạo cuối năm sẽ tăng lên nhưng cẩn trọng trong khâu thanh toán.
Bản thân các doanh nghiệp cũng cho rằng dù Trung Quốc mua rất nhiều gạo của Việt Nam trong hai năm qua nhưng chưa bao giờ các doanh nghiệp yên tâm khi làm ăn với các thương nhân Trung Quốc. Dù mua nhiều nhưng nhu cầu dài hạn không rõ ràng, họ chỉ đợi những lúc thật sự cần hoặc giá giảm sâu mới ký hợp đồng. Điều khoản thanh toán là một trong những vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước khi người mua không thanh toán bằng tín dụng thư LC mà thanh toán bằng chứng từ. Theo đó, người mua sẽ trả trước 20% toàn bộ lô hàng và sẽ trả phần còn lại sau khi nhận được hóa đơn chứng từ từ người bán. “Cách mua bán này rất rủi ro cho người bán. Trường hợp hàng đã giao đi rồi mà người mua không thanh toán hay thanh toán chậm thì người bán rất khó thu tiền” - giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại TP. HCM cho biết.
TTO |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn