Cơ quan chức năng cho biết, việc nhập lậu các loài sâu không rõ nguồn gốc, đặc biệt là không thể kiểm soát tốt sẽ gây ra những nguy cơ nghiêm trọng cho môi trường.
Các loại sâu lạ được bày bán ở các chợ chim cảnh tại Hà Nội.
Nhập lậu cả... sâu chim
Liên tục từ tháng 10-2014 đến nay, hoạt động buôn lậu thực phẩm và hàng hóa, đồ điện tử, gia dụng, vải vóc ở khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Móng Cái, Lào Cai… lại diễn ra nóng sau khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Hàng loạt vụ việc đã được cơ quan chức năng bắt quả tang, kịp thời ngăn chặn, tuy nhiên, đó cũng chỉ là phần nổi. Điều đáng chú ý từ các vụ bắt giữ cho thấy, khoảng 2 năm trở lại đây, vấn nạn buôn lậu không những không giảm mà còn phát triển thêm ra những mặt hàng mới, có thể nói là rất lạ, chẳng hạn như sâu chim… Theo Trạm kiểm soát biên phòng Cốc Nam và Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam (Đồng Đăng, Cao Lộc - Lạng Sơn), những mặt hàng lậu nóng nổi lên những năm gần đây là chim bồ câu, mèo, thịt cừu, cá tầm, cua ếch… từ Trung Quốc. Gần đây, các đầu nậu còn nhập cả các loại sâu từ Trung Quốc vào nội địa để cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh chim cảnh cũng như nhu cầu của người chơi chim cảnh.
Theo Trung tá Phạm Văn Minh, Công an huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), thời gian gần đây, Công an huyện Chi Lăng liên tục bắt giữ các vụ buôn lậu, trong đó đã phát hiện nhiều vụ đối tượng sử dụng cả xe hơi để chở sâu chim về xuôi, còn lại chủ yếu là chở bằng xe tải hoặc xe khách. “Có vụ chúng tôi bắt giữ tới 150kg sâu chim cảnh các loại” - Trung tá Phạm Văn Minh cho biết.
Để mục sở thị, phóng viên Báo SGGP đã có mặt tại các chợ chim nổi tiếng ở Hà Nội như chợ Hàng Da, chợ sinh vật cảnh Vạn Phúc, chợ chim Yên Phúc (Hà Đông), chợ chim cảnh Hoàng Hoa Thám… đều gặp cảnh chủ các cửa hàng kinh doanh chim cảnh kiêm luôn dịch vụ bán thức ăn cho chim, gồm cám, dế mèn và sâu các loại. Trong các chậu hoặc thùng xốp bày la liệt, chứa đầy sâu loại to bằng đầu đũa hoặc nhỏ bằng kim khâu bao tải gai… Phần lớn các chủ cửa hiệu cho biết, nhập sâu về từ các đầu mối ở chợ chim Hoàng Hoa Thám hoặc chợ Long Biên. Tại chợ Long Biên, sâu được nhập về từ Lạng Sơn và Bắc Giang.
Tìm hiểu thêm từ các tư thương, được biết các loại sâu nhập lậu chủ yếu là sâu rồng và sâu quy. Giá bán tại Hà Nội là 25.000 - 26.000 đồng/kg. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng lượng sâu nhập lậu là khổng lồ. Bởi ở trong nước, các cơ sở gây nuôi sâu đều bị cấm.
Không cho phép nhập sâu lạ
Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 quản lý địa bàn 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, cho biết, nhiệm vụ chính của các trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu từ trước đến nay là ngăn chặn các loại sâu và dịch hại lây lan từ bên ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua con đường nhập khẩu nông sản. Tuy nhiên, đối với hoạt động đưa các loài sâu lạ vào nội địa qua con đường nhập lậu thì trách nhiệm ngăn chặn lại thuộc các cơ quan chống buôn lậu và ngoài khả năng của các chi cục kiểm dịch.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, theo quy định của pháp luật và đặc biệt là Luật Bảo vệ thực vật mới có hiệu lực thì các loại sâu đều được xếp vào nhóm đối tượng dịch hại và có nguy cơ lây lan cao nên đều bị cấm nhập khẩu. Ở trong nước hiện nay nông dân và các địa phương cũng đang vất vả để ngăn chặn sâu bệnh phá hoại mùa màng. Do đó, việc nhập lậu các loài sâu không rõ nguồn gốc, đặc biệt là không thể kiểm soát tốt sẽ gây ra những nguy cơ nghiêm trọng cho môi trường.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung khẳng định từ một vài năm trước, tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện có tình trạng tư thương nhập lậu sâu lạ vào để kinh doanh, tiêu thụ. Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản gửi tất cả các địa phương yêu cầu nghiêm cấm nhập khẩu và nhập lậu sâu cũng như các đối tượng dịch hại. “Tại tỉnh Đồng Nai cũng đã có công văn đề nghị cho doanh nghiệp nhập cào cào, châu chấu về nuôi để ép khô, làm trang sức để kinh doanh, hoặc tại một số tỉnh ở ĐBSCL nông dân từng nuôi bọ dừa, đuông dừa… nhưng chúng tôi đã có văn bản yêu cầu cấm nhập và nuôi” - ông Trung nói.
Đối với các loại sâu mà hiện nay người nuôi chim đang mua về để làm thức ăn cho sinh vật cảnh gồm có nhiều loại khác nhau và đều được coi là sinh vật lạ, chúng thuộc hệ đa thực hoặc “siêu sâu”- ăn rất nhiều thứ khác nhau nên rất nguy hiểm cho môi trường và mùa màng nếu để phát tán ra môi trường tự nhiên. Ông Trung cho biết, “Sau khi có Luật Bảo vệ thực vật mới, chúng tôi cũng vừa gửi thêm công văn cho tất cả các địa phương yêu cầu kiểm soát và ngăn chặn việc nhập khẩu, nhân nuôi và phóng thích các loài sinh vật lạ, sâu bệnh lạ tại Việt Nam. Trong thời gian qua, các chi cục bảo vệ thực vật đã phối hợp chặt với các đơn vị chức năng như hải quan, quản lý thị trường, biên phòng để tiêu hủy các lô hàng sinh vật lạ bắt giữ được”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn