Ở Trà Vinh, trong những ngày này, nông dân trồng mía than vắn thở dài khi Tết Nguyên đán sắp đến gần mà ruộng mía dù đã quá tuổi 2 tháng, sắp biến thành củi khô nhưng nhà máy đường không chịu khởi động và thu mua. Họ sốt ruột nên sang tỉnh lân cận để bán thì bị ép giá, hạ chữ đường, tính ra mỗi công mía bị lỗ hơn 1 triệu đồng.
Rầu rĩ trước ATIGA
Tương tự, ở Phú Yên, nỗi lo tiêu thụ với giá thu mua xuống quá thấp đang khiến các nông dân trồng mía rầu rĩ. Trong khi đó, giá đường bán sỉ trên thị trường trong nước cũng chỉ quanh quẩn ở mức 11.000 – 11.500 đồng/kg. Tại thời điểm này, mía đường của niên vụ cũ vẫn còn trên 200.000 tấn tồn kho, cộng thêm 100.000 tấn của niên vụ mới cũng dự báo tiêu thụ rất khó khăn.
Ở một diễn biến khác, nhận thấy mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp mía đường hiện còn yếu kém, thời gian qua, phía Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cùng Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đều bày tỏ mong muốn Chính phủ lùi thời điểm áp dụng chính sách thuế NK 5% với mặt hàng đường đến hết năm 2019 trong khi ATIGA đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Ngành mía đường Việt Nam muốn lùi thời gian thực hiện cam kết trên đến năm 2022, hoặc 2020. Nhưng cũng có những ý kiến phản đối, cho rằng ngành này bảo hộ 20 năm rồi với hai biện pháp là công cụ thuế quan và hạn ngạch. Đến nay, theo cam kết hội nhập thì phải thực hiện, bản thân các doanh nghiệp (DN) mía đường nội địa cũng phải tự thân đứng dậy.
Như dự báo từ trước đó của công ty Chứng khoán FPT, ngành mía đường là ngành kém khả quan trong giai đoạn 2018 – 2019. Nguyên do là vì đường sản xuất trong nước bị cạnh tranh bởi đường Thái Lan trong khi chưa kịp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đến hai năm sau đó, ngành này sẽ có sự phân hóa với mức độ cạnh tranh cao. Những DN đường nội địa nào đạt được hiệu quả từ những cải cách hiện tại và trong thời gian tới có thể hạ được giá thành sản xuất và tiếp tục tăng trưởng. Còn với những DN nhỏ, sức cạnh tranh yếu sẽ dần bị đào thải. Cũng nên theo dõi những diễn biến mới trong xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) của ngành này tiếp tục diễn ra và sức ảnh hưởng từ các DN đường có quy mô lớn.
Trong khi đó, những dự định trước đây về thay đổi với mức thuế suất ở trong nước trong ngành đường và những ngành liên quan cũng là nỗi lo lớn. Đã từng có đề xuất tăng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho đường dự kiến tăng từ 5% lên 6%, cộng thêm mức thuế tiêu thụ đặc biệt với DN sản xuất nước ngọt là 10%.
Điều mà ngành mía đường Việt Nam lo lắng là đường Thái Lan sẽ tràn ngập thị trường trong nước
Phải cải thiện sức cạnh tranh
Nếu đề xuất này được thông qua, giá sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, vừa ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm, vừa ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của ngành đường nội địa. Chỉ có nông dân và người tiêu dùng chịu thiệt.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức tăng thuế suất VAT áp dụng cho đường. Tất cả các yếu tố này sẽ gây hệ lụy là tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm, giảm doanh thu có thể kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động…
Ông Việt cho rằng đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất là các DN nhỏ và vừa. Giá bán cao còn khả năng dẫn đến cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoành hành.
Cần nhìn vào thực tế, tuy mức thuế suất thuế VAT hiện mới chỉ là 5% nhưng vẫn ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh của ngành đường trong nước. Đã có một số chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa phù hợp với thực tế để tác động đến ngành mía đường, để nông dân làm ra cây mía có giá thành thấp hơn, chất lượng cao hơn.
Trở lại vấn đề ATIGA, có thể thấy cạnh tranh chủ yếu đến từ Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Đường từ Thái Lan luôn có giá rẻ hơn đường Việt Nam và thường xuyên được nhập tiểu ngạch vào Việt Nam. Đường nhập lậu vào Việt Nam cũng chủ yếu từ Thái Lan.
Vấn đề với ngành đường Việt Nam hiện giờ là ngoài vấn đề về thuế suất, năng lực cạnh tranh vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Chữ đường của mía chưa cao. Chưa có giải pháp để người nông dân chuyên tâm trồng mía. Các nhà máy đường chưa ổn định vùng nguyên liệu. Điều đáng nói, thương lái hưởng lợi lớn ở khâu trung gian, trong khi nông dân bị ép giá và thất thoát chi phí tại các DN sản xuất mía đường hoạt động chân chính.
Giới chuyên gia lưu ý trước sức ép cạnh tranh, khả năng một số DN mía đường Việt Nam thuộc dạng nhỏ đứng trước lựa chọn buộc phải bị thâu tóm, giải thể hoặc hoạt động cầm chừng và thua lỗ.
Tuy nhiên, nếu các DN đường nội địa đầu tư bài bản vào vùng nguyên liệu, có lượng khách hàng công nghiệp cố định, xây dựng được kênh bán lẻ để loại bỏ chênh lệch giá khâu trung gian hoặc họat động ở những khu vực mà đường NK khó tiếp cận thì vẫn có cơ hội để phát triển.
Thế Vinh
http://thoibaokinhdoanh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn