Lúa, gạo đều rớt giá
Nông dân Dương Văn Châu, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, phản ánh: “Nông dân ở đây còn lúa thu đông muộn chưa bán được khá nhiều, đang lo lắng trước tình trạng giá lúa rớt hoài, thương lái thu mua rất ít”. Hiện giá lúa thường phơi khô chỉ còn 5.200-5.300 đồng/kg, lúa chất lượng cao 5.700 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ mọi chi phí, nông dân chỉ còn lời khoảng 300.000 đồng/công (1.000m2).
Tại Đồng Tháp, lão nông Lê Văn Lam, 61 tuổi, ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, lo ngại: “Tôi vừa thu hoạch 8ha lúa thu đông muộn, giống chất lượng cao, năng suất 6,5 tấn/ha nhưng giá lúa quá thấp, bán tại ruộng chỉ có 4.650 đồng/kg. Với mức giá này, tính ra chỉ lời 700.000-800.000 đồng công đất. Còn vụ đông xuân này, vì không có lũ, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, công làm đất đều tăng cao. Nông dân rất lo lắng đến khi thu hoạch rộ mà giá lúa tiếp tục giảm thì rất khó khăn vì đây là vụ lúa chính trong năm”.
Không khí tại các chợ gạo ở ĐBSCL nhiều ngày qua kém xôm tụ, giá gạo nguyên liệu các loại giảm còn 6.900-7.350 đồng/kg. Ông Phạm Văn Linh, Giám đốc Xí nghiệp Lương thực An Bình của Công ty cổ phần Lương thực Vĩnh Long đặt tại chợ gạo Cái Răng (Cần Thơ), cho biết: “Giá lúa gạo đang có chiều hướng giảm. Việc xuất khẩu bị ách tắc nên lượng gạo nguyên liệu thu mua hàng ngày rất ít, chỉ vài chục tấn (lúc cao điểm 200-250 tấn/ngày). Giá đang đà giảm, thương lái cũng hạn chế thu mua vì sợ thua lỗ nên lượng gạo nguyên liệu cung cấp cho chợ gạo Cái Răng giảm mạnh”.
Trông chờ vào chính sách tạm trữ
|
Đến nay, nông dân trong vùng đã xuống giống hơn 1 triệu ha lúa đông xuân trên tổng diện tích 1,6 triệu ha. Một số nơi đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân sớm. Nhiều nông dân hy vọng chính sách tạm trữ lúa gạo mới rất thực tế và cần thiết, sẽ góp phần kìm hãm đà giảm giá như hiện nay.
Vấn đề quan trọng là triển khai thực tế đến nông dân như thế nào, bao nhiêu diện tích canh tác lúa được hưởng chính sách này. Nếu thực hiện tốt, nông dân sẽ có điều kiện trữ lúa tại nhà, chủ động quyết định thời điểm bán lúa ra, hạn chế tình trạng bị ép giá; không còn chịu áp lực phải bán lúa giá thấp để trả nợ như trước...
TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết, đến nay, nông dân trong tỉnh đã xuống giống được 201.674ha/206.500ha lúa đông xuân. Toàn tỉnh hiện còn 3.000ha lúa thu đông muộn và 1.029ha lúa đông xuân sớm đang thu hoạch.
Hiện tình hình xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn, các hợp đồng ký trước cho năm 2013 khoảng 1 triệu tấn gạo bị các đối tác “xù” vì cho rằng gạo Việt Nam giá cao. Họ chuyển sang chọn gạo của các quốc gia khác rẻ hơn như Ấn Độ, Pakistan...Với mức giá lúa thấp như hiện nay, nông dân lo sốt vó là phải. Họ đang chờ xuất khẩu gạo sắp tới có khá hơn không, chứ tình hình hiện nay không ổn chút nào. Đông xuân là vụ chính trong năm, mọi hy vọng của nông dân trông chờ hết vào vụ lúa này.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp, nhà quản lý ở ĐBSCL nhận định: “Từ xưa tới nay, hễ vào vụ thu hoạch đông ken thì giá lúa sụt giảm, trong khi đó, năng lực tiêu thụ của doanh nghiệp (kho chứa, phơi sấy...) không đáp ứng. Áp dụng chính sách tạm trữ mới, nông dân có điều kiện trữ lại 1-2 tháng sẽ giảm áp lực tiêu thụ cho doanh nghiệp, không bị thương lái, doanh nghiệp ép giá. Sau vụ mùa, giá lúa sẽ nhóng lên.
Về lâu dài, để phát triển bền vững, cần tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, đẩy mạnh liên kết 4 nhà, xây dựng thương hiệu gạo... nâng cao giá trị hạt gạo, làm sao bán được giá cao hơn. Từ đó tăng lợi nhuận, cải thiện cuộc sống người trồng lúa. Để làm được điều này, không thể sản xuất nhỏ lẻ manh mún hoài được mà nhất thiết phải xây dựng, mở rộng, nâng cao hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn!”.
Theo báo cáo tổng kết của Bộ NN-PTNT, trong năm 2012, sản lượng lúa trong cả nước lại tiếp tục có một mùa bội thu. Trong đó, sản lượng lúa cả 3 vụ đều được mùa, đạt hơn 43,7 triệu tấn và tăng thêm 1,26 triệu tấn so với năm trước đó. Diện tích gieo cấy lúa của cả năm ước đạt 7,753 triệu ha, tăng 98.000ha. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng cho biết, tổng kết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 12-2012 của cả nước ước đạt 2,66 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2012 đạt 27,54 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm trước. |
SGGP
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn