Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu tháng 7 đến nay, giá gạo nguyên liệu tại ĐBSCL đang tăng. Giá gạo được doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu mua vào từ 6.850 - 7.000 đồng/kg đối với giống IR 50404 (tùy chất lượng), tăng khoảng 100 - 150 đồng/kg so với mức giá tuần rồi. Không chỉ thị trường nội địa, giá chào xuất khẩu những ngày gần đây cũng tiếp tục tăng. Cụ thể, gạo 5% tấm chào bán với giá 420 - 430 USD/tấn; gạo 25% tấm giá 370 - 380 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tuần rồi.
Vì sao giá gạo tăng trong thời điểm hiện nay? Theo lý giải của các DN, lượng gạo tồn kho còn khá thấp, chỉ hơn 1 triệu tấn, trong khi lượng gạo mà các DN phải giao cho đối tác (theo hợp đồng) khoảng 2,2 triệu tấn. Như vậy, để thực hiện hết số lượng hợp đồng, ít nhất DN xuất khẩu gạo phải mua thêm khoảng 1,2 triệu tấn nữa, một con số khá lớn. Do thiếu hụt nguồn cung để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký, nên DN đang đẩy mạnh mua vào, thậm chí có hiện tượng mua “vét” gạo để phục vụ cho nhu cầu này.
Hiện nay ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu, tiến độ đạt khoảng 0,5/1,6 triệu ha. Giá gạo tăng kéo theo giá lúa hè thu cũng tăng, trung bình 150 - 200 đồng/kg, khiến nông dân đang thu hoạch lúa khấp khởi mừng.
Thế nhưng, theo phân tích kỹ của các chuyên gia, lợi nhuận của việc tăng giá gạo hiện nay không rơi vào túi nông dân mà rơi vào các DN chế biến gạo và thương lái, vì nông dân đã bán hết lúa ngay sau khi thu hoạch (vụ đông xuân). “Ăn theo” giá gạo, giá lúa hè thu hiện nay có tăng chút đỉnh, song vẫn thấp hơn đầu vụ 150 - 200 đồng/kg. Với mức giá lúa tươi mua tại ruộng, lúa IR 50404 dao động quanh mức 4.300 - 4.400 đồng/kg và 4.700 - 4.800 đồng/kg đối với lúa hạt dài, nông dân trồng lúa hè thu vẫn không lời được bao nhiêu.
Câu chuyện nông dân chưa bao giờ được hưởng lợi từ giá gạo tăng không chỉ xảy ra trong thời điểm này mà đã từng xảy ra trong nhiều năm, bởi bất cập của các khâu trong chuỗi cung ứng lúa gạo. Đánh giá vấn đề này, từ tháng 10-2013, tổ chức Oxfam và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã công bố báo cáo “Ai được hưởng lợi khi giá lúa gạo tăng cao?”. Báo cáo nêu rõ: Nếu thiên tai, mất mùa, rớt giá, người nông dân đương nhiên là đối tượng chịu thiệt thòi mất mát đầu tiên. Nhưng ngay cả khi có điều kiện thuận lợi, giá lúa gạo tăng cao, thì họ cũng không phải là người được hưởng lợi nhuận xứng đáng. Với nông dân, điệp khúc “mất mùa, rớt giá, thất thu” đã thành quen, nhưng thực tế ngay cả khi giá lúa gạo tăng cao, người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi.
Nguyên nhân do người trồng lúa thiếu năng lực thị trường, thương lái ép giá, các DN xuất khẩu gạo khống chế thị trường. Nhiều chuyên gia cho rằng điểm yếu lớn nhất của nông dân là họ quá nghèo, phải bán lúa tươi ngay tại ruộng để trả nợ ngân hàng, chi phí mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, không có vốn để tạm trữ và sơ chế lúa để đến khi được giá mới bán. DN xuất khẩu gạo chưa bao giờ mua lúa trực tiếp từ nông dân mà chỉ mua qua thương lái. Do đó, dù giá có tăng cao đến đâu thì nông dân cũng không được hưởng lợi. Trên thực tế, mặc dù người sản xuất ra hạt gạo chính là nông dân, nhưng nông dân không có tiếng nói trong các quyết sách liên quan đến sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Hội nông dân, cơ quan đại diện của người trồng lúa, cũng không được tham vấn trong các chính sách liên quan đến sản xuất, xuất khẩu lúa gạo mà chỉ có Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đại diện cho các DN xuất khẩu gạo tham gia. Do vậy, những bất cập từ chính sách đã kéo dài nhiều năm, đã được mổ xẻ nhiều chiều nhưng vẫn chưa thay đổi căn cơ theo hướng có lợi cho nông dân.
Thực tế cho thấy, người trồng lúa có hưởng lợi từ xuất khẩu gạo hay không phụ thuộc nhiều vào mức giá bán lúa, vào hệ thống kho tạm trữ để tránh tình trạng “trúng mùa, rớt giá” và cơ chế xác định mức giá thu mua lúa không quá thấp so với giá xuất khẩu. Để giải quyết các vấn đề tồn tại trên và xây dựng một chuỗi cung ứng lúa gạo chuyên nghiệp, cần hoàn thiện tất cả các khâu trong chuỗi giá trị này; tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ sản xuất, cánh đồng mẫu lớn theo hướng sản xuất tập trung, chuyên nghiệp và nâng cao giá trị sản xuất. Một số chuyên gia khuyến cáo: Việt Nam nên cải cách thể chế một cách thực chất, khuyến khích thành lập hiệp hội người trồng lúa để thật sự đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Trần Minh Trường/ Báo SGGP