hời điểm này chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra để chứng minh một sản phẩm hoặc một lô rau cụ thể nào đó là RAT hay rau hữu cơ, tất cả đều do DN tự công bố và tự chịu trách nhiệm.
Rau an toàn vào siêu thị nhờ... niềm tin
Quá trình trao đổi, làm việc với siêu thị Metro, BigC, Lotte Mart để làm rõ việc Cty TNHH sản xuất và chế biến RAT Ba Chữ (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) lấy rau không rõ nguồn gốc xuất xứ tại chợ đầu mối nông sản Minh Khai, chúng tôi nhận thấy lỗ hổng rất lớn trong quy trình thủ tục, kiểm soát đối tác cung cấp rau. Qua đó, để trở thành đối tác và được cung cấp rau cho hệ thống các siêu thị, các nhà cung cấp rau hiện nay phải có trong tay từ 4-5 loại giấy tờ kèm theo. Đầu tiên là Giấy đầu tư cấp phép kinh doanh (Sở KH-ĐT cấp); Giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện ATTP trong SX rau; Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sơ chế rau (Sở NN-PTNT Hà Nội cấp) và một số giấy tờ khác liên quan như các mẫu phân tích rau (nơi yêu cầu nơi không), hóa đơn chứng từ, phiếu xuất kho… Những giấy tờ đó được mặc định là “giấy thông hành” để các DN, HTX đưa rau vào hệ thống siêu thị. Nhưng theo Chi cục BVTV Hà Nội thì những loại giấy tờ như: Giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện ATTP trong SX cũng như trong sơ chế chỉ có tác dụng, ý nghĩa chứng minh là đối tác này trồng rau trên vùng đã được cơ quan chức năng phân tích mẫu đất, nước, không khí đủ điều kiện để tiến hành SX rau an toàn cũng như nhà xưởng, thiết bị, nguồn nước đủ điều kiện để sơ chế đóng RAT. Còn để chứng minh cụ thể từng mặt hàng, loại rau, lô rau có an toàn hay không phải do DN, HTX tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Đây chính là kẽ hở để các DN, HTX làm ăn không nghiêm túc có thể lấy rau không rõ nguồn gốc hoặc không đủ điều kiện ATVSTP tuồn vào siêu thị. Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía các siêu thị, hiện họ gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong việc kiểm soát đầu vào của mình bởi Bộ NN-PTNT mới ban hành quy trình GlobalGAP, VietGAP và mới đây là BasicGAP trong SX rau. GlobalGAP thuộc tiêu chuẩn toàn cầu, gần như không DN Việt Nam nào áp dụng được. Với tiêu chuẩn VietGAP, thực chất là sự chắp nối giữa GlobalGAP và ASEANGAP với 65 chỉ tiêu nên cũng rất ít DN làm rau đáp ứng được nên diện tích rau VietGAP trên cả nước chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mới đây nhất, Bộ NN-PTNT đã ban hành quy trình BasicGAP, rút gọn xuống chỉ còn 26 chỉ tiêu, hy vọng sẽ có thêm nhiều DN, HTX và người nông dân áp dụng trong SX. Nhưng nghịch lí nằm ở chỗ phần lớn rau đang bán ở hệ thống Metro, BigC hay Lotte Mart hiện nay lại là sản phẩm RAT, rau VietGAP chiếm thị phần cực kỳ nhỏ, gần như không đáng kể. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Trần Xuân Định cho biết, hiện Bộ NN-PTNT chưa ban hành quy trình nào được gọi là quy trình RAT áp dụng cho toàn quốc nên RAT hay rau hữu cơ thực chất chỉ là tên gọi hoặc tên do đơn vị SX và địa phương tự công bố. Nói chính xác hơn, RAT hay rau hữu cơ trên địa bàn Hà Nội hiện nay chỉ mới là quy trình mang tính chất tạm thời do Sở NN-PTNT Hà Nội ban hành các tiêu chuẩn (đất, nước, không khí, quy trình, thuốc BVTV) cho trên 30 loại rau để khuyến cáo và hướng dẫn người nông dân áp dụng SX. Trong buổi sáng 21/1, chúng tôi quay trở lại một loạt hệ thống siêu thị của Metro, BigC, Lotte Mart kiểm tra và nhận thấy trên kệ hàng không còn xuất hiện sản phẩm rau của Cty Ba Chữ. Tuy nhiên, các sản phẩm rau được thay thế từ những nhà cung cấp khác cũng chỉ được buộc dây sơ sài, vẫn còn nhiều mặt hàng bày bán mà không có tem nhãn hay bao bì niêm phong cẩn thận. Chính vì vậy, thời điểm này chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra để chứng minh một sản phẩm hoặc một lô rau cụ thể nào đó là RAT hay rau hữu cơ, tất cả đều do DN tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Muốn biết người SX, DN có làm đúng theo những gì họ công bố hay không các cơ quan chức năng và hệ thống siêu thị chỉ còn cách thanh kiểm tra, lấy mẫu. Tuy nhiên, với hàng trăm mặt hàng rau được đưa vào tiêu thụ mỗi ngày, vùng SX lại ở khắp nơi nên gần như không có hệ thống siêu thị nào đủ nguồn lực, con người để tổ chức thanh tra, giám sát thường xuyên. Hơn nữa, giá một mẫu phân tích rau hiện thấp nhấp cũng phải 600.000 đồng nên không siêu thị nào đi phân tích rau mình đang bán. Trong khi đó, phía cơ quan chức năng, việc lấy mẫu phân tích định kỳ cũng chỉ nằm trong giới hạn cho phép và chỉ trên một số hoạt chất nhất định. Trao đổi với NNVN sáng 21/1, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ, đã đọc rất kỹ bài viết trên Báo NNVN trong hai ngày qua và cho biết đây không phải lần đầu các siêu thị gặp phải những trường hợp tương tự. Theo ông Phú, trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất trong sự cố mà NNVN phản ánh thuộc về Cty Ba Chữ nên phải xử lí mạnh tay với DN đã vi phạm rất nhiều lần này. Tiếp đến là sự thiếu trách nhiệm, dễ dãi, thậm chí có thể là sự móc nối, dung túng từ phía các siêu thị. Và sâu xa hơn nữa, hiện lỗ hổng, kẽ hở trong quản lí mặt hàng rau của ta quá lớn. “Quan điểm của tôi, với những mặt hàng trực tiếp chui vào bụng người dân thì tuyệt đối không được tự công bố và tự chịu trách nhiệm mà thay vào đó phải kiểm tra thật kỹ lưỡng rồi mới cấp phép, mới nhập hàng. Chứ với sản phẩm rau “trần như nhộng” không nhãn mác, bao bì, không đóng túi niêm phong đang bày bán phổ biến tại hệ thống các siêu thị như hiện nay sớm hay muộn cũng xảy ra việc rau không rõ nguồn gốc tuồn vào như Báo NNVN phản ánh”, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú....