Rộng cửa vào ba tháng cuối vụ
Những ngày giữa tháng 12/2015, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra dự báo sản lượng gạo xuất khẩu (XK) trong quý IV/2015 sẽ tăng khoảng 200 ngàn tấn so với kế hoạch và đạt mức khoảng 2,21 triệu tấn. Như vậy, cộng chung cả năm 2015, lượng gạo XK của Việt Nam sẽ đạt 6,55 triệu tấn, thấp hơn một chút so với dự báo hồi đầu năm.
Thống kê của VFA cho thấy, chỉ trong vòng tháng 10 và 11/2015, các DN XK gạo trên cả nước đã xuất được khoảng 1,46 triệu tấn gạo các loại, trị giá CIF đạt khoảng 596,5 triệu USD. Như vậy, chỉ tính riêng 2 tháng kể trên cả lượng gạo XK và giá trị thu về đều chiếm tới 25% so với tổng khối lượng và kim ngạch của 11 tháng.
Điều này có nghĩa rằng, suốt 3 quý đầu năm 2015, hoạt động XK gạo của Việt Nam khá ảm đạm. Và nó cũng phù hợp với những dự báo hồi đầu năm của VFA rằng trong năm 2015 các khó khăn về thị trường sẽ đeo bám ngành gạo, khiến cho lượng gạo XK sụt giảm đáng kể so với năm 2014.
Xuất khẩu gạo dự báo khởi sắc trong 3 tháng đầu năm 2016 |
Trở lại những ngày đầu quý I/2015, các dự báo của VFA cho rằng: Năm 2015 XK gạo sẽ giảm ở tất cả các thị trường. Trong đó, Trung Quốc là thị trường được dự báo giảm mạnh nhất, bởi nước này kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động XK tiểu ngạch.
Thêm vào đó, mặc dù nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng thêm khoảng 300 ngàn tấn nhưng Chính phủ nước này cũng đã ký thỏa thuận mua 2 triệu tấn gạo của Thái Lan để đổi lấy chương trình xây dựng hệ thống đường sắt từ Đông Bắc đến cảng phía Nam của Thái Lan.
Thực tế cho thấy, khó khăn về thị trường đã kéo dài trong suốt 9 tháng đầu năm qua và hoạt động XK gạo chỉ thực sự khởi sắc từ đầu tháng 10 năm ngoái, khi Việt Nam trúng thầu cung cấp 450.000 tấn cho Philippines.
Thừa nhận thực tế này, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho hay, tính đến hết tháng 9/2015 XK gạo sang Trung Quốc dù chiếm tới 35% tổng lượng gạo XK của Việt Nam nhưng cả số lượng và kim ngạch đều giảm, lần lượt ở mức 2,64% và 8,74% so với cùng kỳ năm 2014.
Các thị trường truyền thống khác như Philippines, Singapore… cũng đều có mức giảm khá sâu: Philippines giảm 41,01% về khối lượng và 44,69% về giá trị; Singapore giảm 37,24% về khối lượng và 34% về giá trị.
Ông Năng cho hay, chỉ đến thời điểm đầu tháng 10/2015, sau chuyến đi của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (diễn ra từ 15-19/9 – PV) thì thị trường XK chính ngạch và tiểu ngạch sang Trung Quốc mới được khơi thông. Cộng với việc Vinafood 2 ký thành công hợp đồng tập trung cho Philippines nên hoạt động XK gạo mới thoát khỏi tình trạng trầm lắng.
“Đến thời điểm hiện nay, ngoài hợp đồng ký được với Philippines, các DN XK gạo cũng nhận được thêm hợp đồng mới cung cấp khoảng 1 triệu tấn gạo cho Indonesia. Hiện nay, lũy kế hợp đồng đã đăng ký trong 11 tháng vẫn vượt mức so với cùng kỳ khoảng 19%. Điều này cho thấy trong tháng 12 khả năng XK 750.000 tấn là hoàn toàn có thể và điều kiện gối đầu cho các tháng đầu năm 2016 là rất thuận lợi”, ông Năng cho biết.
Vừa lạc quan, vừa lo lắng
Với sự khởi sắc từ các thị trường châu Á, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA nhận định, những tháng đầu năm 2016 các DN XK gạo sẽ chịu sức ép về nguồn cung lúa gạo nguyên liệu. Bởi tính đến thời điểm hiện nay, vụ Thu - Đông 2015 gần như đã thu hoạch xong với sản lượng hơn 1 triệu tấn (quy gạo hàng hóa), lượng tồn kho của DN ở mức khoảng 1,5 triệu tấn. Trong khi đó, nếu tính cả hợp đồng đã ký và hợp đồng tập trung phải giao trong các tháng đầu năm thì các DN phải cần đến hơn 2,8 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều DN, áp lực hụt cung chỉ mang tính tạm thời chứ không kéo dài sang các tháng đầu quý II/2016. Thậm chí, ngay thời điểm các tháng đầu năm nếu không có các hợp đồng XK gạo tập trung được ký mới thì giá lúa sẽ không lên cao được và có thể còn giảm nhẹ, bởi nguồn cung từ vụ Đông - Xuân sẽ bắt đầu tăng mạnh vào thời điểm tháng 4/2016.
Nếu tiếp tục phụ thuộc mạnh vào thị trường Trung Quốc và các bạn hàng truyền thống thì nguy cơ cả khối lượng và giá bán của gạo Việt Nam tiếp tục giảm là không tránh khỏi |
Phân tích thêm, chuyên gia Nguyễn Đình Bích cho rằng, nhiều năm nay hoạt động XK gạo của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào các hợp đồng tập trung cấp Chính phủ và các thị trường truyền thống.
Thời điểm 5-7 năm trước, các thị trường Malaysia, Indonesia và Philippines nhập khẩu mạnh các loại gạo phẩm cấp trung bình và thấp của Việt Nam. Tuy nhiên từ năm 2013 trở lại đây, các quốc gia này thực hiện chính sách tự túc lương thực khiến cho nhu cầu bị thu hẹp. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, Việt Nam chuyển sang bán gạo chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, nhưng thị trường này lại thường xuyên “nóng-lạnh” dẫn đến hoạt động XK gạo trở nên bấp bênh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trung Kiên (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - ISPARD) cho rằng, nếu tiếp tục phụ thuộc mạnh vào thị trường Trung Quốc và các bạn hàng truyền thống thì nguy cơ cả khối lượng và giá bán của gạo Việt Nam tiếp tục giảm là không tránh khỏi.
Bởi trong các năm qua, việc bỏ thầu ở các thị trường Philippines, Indonesia đã ngày càng phải cạnh tranh gay gắt. Gạo Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với gạo Thái Lan mà còn phải chịu áp lực buộc hạ giá bán mới có thể trúng thầu trước những đối thủ khác như Ấn Độ, Pakistan thậm chí cả Campuchia.
Trong khi đó, thị trường XK gạo lớn nhất hiện nay là Trung Quốc thì liên tiếp các năm vừa qua thị phần gạo Việt Nam đều sụt giảm. Giai đoạn 2012-2013, gạo Việt chiếm tới 65% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này, nhưng sang năm 2014 giảm xuống còn 53%, đến năm 2015 khả năng chỉ còn dưới 40%.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT), đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận lại việc duy trì các hợp đồng cấp Chính phủ trong XK gạo. Bởi phần lớn các hợp đồng yêu cầu các loại gạo phẩm cấp trung bình và thấp, đi ngược với định hướng xây dựng các thương hiệu gạo quốc gia là gạo thơm và gạo đặc sản.
Thêm vào đó, khi duy trì hợp đồng XK gạo tập trung, các DN được các tổng công ty lương thực phân bổ chỉ tiêu XK mà không phải xúc tiến thương mại, tìm hiểu mở rộng thị trường. Điều này tạo ra tính ỉ lại, dựa vào hợp đồng tập trung, khiến các DN XK gạo không có động cơ kinh doanh theo hướng thị trường và không có áp lực buộc phải nâng cao chất lượng hạt gạo để tăng giá bán và lợi nhuận.
Năm 2016, gạo Việt chịu áp lực giảm giá Theo phân tích của UN Comtrade (Cơ sở dữ liệu thương mại của Liên hợp quốc), từ 2016 phân khúc gạo cấp thấp có xu hướng dư thừa nguồn cung. Hiện lượng gạo tồn kho của Thái Lan, Ấn Độ còn rất lớn, trong khi đó đồng Bath (Thái Lan) và Rupee (Ấn Độ) phá giá mạnh hơn so với VND. Vì thế, áp lực giảm giá bán để tranh thầu ở các hợp đồng tập trung đối với các DN XK gạo của Việt Nam tiếp tục tăng lên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo giá gạo bình quân trong năm 2016 sẽ giảm 13% so với năm 2015 và có khuynh hướng giảm 2-3% trong những năm tiếp theo. Điều này cho thấy nếu Việt Nam không có chiến lược đầu tư vào chất lượng hạt gạo và hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín ngành gạo thì nhiều khả năng sẽ phải chịu thiệt thòi lớn trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt ở ngành hàng lương thực. |
Bài và ảnh Thạch Bình
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn