Khách mua giảm một nửa, tiểu thương nhập hàng “cầm chừng”
Những ngày qua, tình trạng giá lợn hơi xuất chuồng tăng “phi mã” kéo theo giá thịt lợn tại các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng thực phẩm tăng mạnh.
Theo ghi nhận của PV tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội như Cầu Giấy, Mỹ Đình, Ba Đình,… giá thịt lợn đã tăng khoảng 10.000-20.000 đồng/kg so với dịp cuối tháng 11 vừa qua.
Cụ thể, thịt ba chỉ tăng lên 170.000 đến 180.000 đồng/kg, chân giò rút xương 150.000 đồng/kg, nạc thăn 180.000 đồng/kg, sườn thăn 200.000 đồng/kg, sườn non 220.000 đồng/kg.
Giá lợn quá cao khiến các tiểu thương tại chợ truyền thống không dám nhập nhiều hàng.
Tại siêu thị lớn như Vinmart, Lotte,… giá thịt lợn các loại dao động từ 170.000 đến gần 300.000 đồng/kg. Trong đó, đắt nhất là sườn non loại 1 được niêm yết giá tại hệ thống siêu thị Lotte ở mức 299.000 đồng/kg, trong khi ở Vinmart là 190.990 đồng/kg. Ngoài ra, các loại thịt thăn, ba chỉ, nạc vai có khoảng giá trên dưới 200.000 đồng/kg.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Liêm, một tiểu thương bán thịt lợn tại khu chợ Mỹ Đình cho biết, gần đây, do giá thịt lợn tăng, trong khi thu nhập của người dân không thay đổi khiến lượng thịt bán ra hàng ngày giảm. Trong đó, nhiều khách hàng đổi sang loại thực phẩm khác hoặc mua với số lượng ít đi.
“Vì đặc thù khu vực này rất đông dân cư nên thời gian trước, trung bình tôi bán được khoảng 60 đến 70 kg/ngày, thậm chí có những ngày cao điểm có thể lên tới trên dưới 100kg. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, chỉ bán được khoảng một nửa do giá cao. Người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác hoặc giảm lượng mua, lúc trước có thể họ mua 5 lạng bây giờ giảm còn 3 lạng”, chị Liêm chia sẻ.
Ngoài ra, chị Liêm cho biết thêm, do lượng thịt lợn bán hàng ngày giảm nên khi nhập hàng phải rất dè chừng. Nhưng nếu nhập số lượng quá ít cũng có thể bị các lái buôn ép giá. Trước tình trạng trên, nhiều tiểu thương đã phải tìm các cách khác để duy trì hoạt động kinh doanh.
Chị Liêm cho hay, do kinh doanh thịt lợn không hiệu quả nên ngoài mặt hàng này, chị đã phải nhập thêm gà, vịt, thịt bò, rau quả,… để bán. Một số tiểu thương đã phải nghỉ bán hàng hoặc chuyển hẳn sang kinh doanh các mặt hàng khác để duy trì thu nhập.
Theo chia sẻ của chủ một trang trại lợn ở Khoái Châu, Hưng Yên, hiện tại giá lợn hơi xuất chuồng tại địa phương đã lên tới hơn 90.000 đồng/kg và xu hướng tiếp tục tăng mạnh.
Chủ trang trại này cho hay, hiện tại, nguồn cung đang thiếu, rất nhiều lái buôn muốn đặt cọc “giữ chỗ” nhưng không được. Nguyên nhân là do giá thay đổi hàng ngày, thậm chí từ sáng đến chiều đã có bảng giá khác nhau.
“Theo tôi, từ giờ đến thời điểm sát Tết Nguyên đán giá thịt lợn sẽ còn tăng nữa, tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu thì chắc không ai dám khẳng định”, chủ trang trại lợn này nhận định.
“Găm hàng, thổi giá” có thể bị điều tra và xử lý hình sự
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, hiện tại, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng cao, một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn.
Điều này gây ra tình trạng lũng đoạn thị trường, giá lợn thay đổi liên tục và luôn ở mức rất cao, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn khi muốn sử dụng thực phẩm.
Chuyển đổi thói quen của người tiêu dùng sang sử dụng "thịt mát" sẽ giảm tình trạng đầu cơ tích trữ
Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương cho biết, đã xây dựng kế hoạch thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành (Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và lực lượng công an, thú y…) thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung vào việc kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.
“Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ.” Bộ Công Thương cho hay.
Trao đổi với Dân Việt, Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương Mại Hapro thông tin, việc điều chỉnh, bình ổn thị trường hiện tại cần phải thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng thì tình trạng “găm hàng, thổi giá” sẽ không còn.
“Việc phát hiện tình trạng đầu cơ tích trữ không phải đơn giản, đặc biệt là các quy định của pháp luật hiện tại cũng khó có chế tài xử lý những trường hợp như vậy.
Theo tôi, năm nay người dân sẽ quen với việc sử dụng bánh chưng gói bằng "thịt mát", giá thành có thể sẽ cao hơn một chút. Quan trọng nhất là các động thái về mặt tâm lý, khi các cơ quan chức năng có những biện pháp nhằm thay đổi thói quen của người tiêu dùng sẽ khiến các đơn vị chăn nuôi giảm bớt tình trạng đầu cơ tích trữ”, ông Vượng phân tích.
Ngoài ra Bộ Công Thương thông tin thêm, số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu 200.000 tấn do Bộ NN&PTNT ước tính. Lượng thịt lợn nhập khẩu cũng được dự báo không đủ bù cho số thiếu hụt.
“Trong tháng 10/2019, thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, đứng thứ 2 là thị trường Đức, đứng thứ 3 là thị trường Hoa Kỳ, tiếp theo là thị trường Hà Lan. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.” Bộ Công Thương cho hay.
Theo Thanh Phong/danviet.vn
http://danviet.vn/kinh-te/thieu-cung-gia-thit-lon-len-300000-dong-kg-tieu-thuong-xoay-xo-tu-be-1042220.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn