Cục Chăn nuôi đã khuyến cáo bà con không nên tăng đàn ồ ạt vì nguy cơ cung vượt cầu sẽ dẫn đến thịt heo rớt giá.
Thịt lợn hơi neo giá cao
Theo ghi nhận của PV, giá thịt lợn hơi ngày 6/8 tại các tỉnh phía Bắc có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức khá cao. Theo đó, tại tỉnh Hòa Bình, giá thịt lợn hơi giảm nhẹ xoay quanh mức 53.000 đồng/kg đến 54.000 đồng/kg. Tại Sơn La, mức giá cũng dao động quanh 54.000 đồng/kg. Một số chợ tại Hà Nội, Hà Nam, giá cũng đã có chiều hướng giảm và dao động quanh mức 54.000 đồng - 56.000 đồng.
Giá thịt lợn hơi tại các tỉnh phía Nam cũng đã giảm so với tuần trước, song cũng neo ở mức 45.000 đồng - 52.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Sóc Trăng, An Giang, giá được neo quanh mức 45.000 đồng - 48.000 đồng. Tại Đồng Nai, mức giá nhỉnh hơn một chút khi dao động quanh 48.000 đồng/kg đến 52.000 đồng/kg.
Như vậy, so với thời điểm bị rớt giá nặng nề (chỉ ở mức 20.000 đồng/kg vào năm 2017), giá thịt heo bỗng tăng chóng mặt trong thời gian gần đây. Điều này khiến không ít người lo ngại các hộ nông dân sẽ thấy giá cao mà ồ ạt tăng đàn. Hệ lụy là cung lại vượt cầu dẫn đến thịt lợn rớt giá, bị ế và lỗ nặng như kịch bản đã từng xảy ra những lần trước đây.
Trước tình trạng giá thịt lợn hơi tăng cao, Bộ NNPTNT đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số giải pháp ổn định nguồn cung mặt hàng thịt lợn. Theo Bộ NNPTNT thị trường và ngành chăn nuôi lợn đang trên đà hồi phục và phát triển tốt, tuy nhiên giá lợn xuất chuồng hiện nay tăng quá cao và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến chỉ số tiêu dùng (CPI) và tiềm ẩn nguy cơ gây phá vỡ các cân đối của ngành hàng thịt lợn trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
Về giá lợn hơi trong nước hiện đang thuộc nhóm cao trong khu vực và hoàn toàn do thị trường trong nước và người chăn nuôi chi phối. Do đó, Bộ NNPTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thống kê quy mô đàn nái hiện có và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2-2019, so sánh với cùng kỳ năm 2017, gửi báo cáo về Cục Chăn nuôi để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Bộ cũng yêu cầu cần có thông tin thường xuyên và đầy đủ về giá cả thị trường và nguồn cung lợn thịt; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái biết và cùng có trách nhiệm ổn định thị trường, ngành hàng chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng như: Không đẩy giá lợn vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg, xuất lợn đúng tuổi, đúng khối lượng, không đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá và tuyệt đối không để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn làm giá…
Phải sản xuất theo chuỗi
Hẳn dư luận vẫn chưa thể quên cuộc khủng hoảng về giá lợn hồi năm 2017, lúc đó giá lợn xuống thấp kỷ lục khiến đời sống nông dân lao đao. Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), thời điểm đó, Cục Chăn nuôi đã khuyến cáo bà con không nên tăng đàn ồ ạt vì nguy cơ cung vượt cầu sẽ dẫn đến thịt heo rớt giá, ế thừa, tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn bất chấp cảnh báo này và vẫn tăng đàn.Bài học khủng hoảng thừa thịt lợn năm 2017 vẫn còn chưa hết nóng.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, bài học này một lần nữa là một minh chứng cho vai trò của nhà quản lý trong việc quản lý thị trường không có kế hoạch và thiếu hiệu quả. “Điều này cho thấy Việt Nam cần phải nỗ lực cải thiện hơn nữa trong việc quản lý cung - cầu trên thị trường. Nhà quản lý cần để tâm hơn đến thị trường trong nước cũng như nước ngoài và cần sự can thiệp của Chính phủ để ổn định giá cả”- một chuyên gia nước ngoài chuyên về lĩnh vực nghiên cứu thị trường đánh giá.
Đối với nhà sản xuất, nhiều ý kiến cho rằng, phải có sự liên kết giữa DN và người nông dân, đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết sản xuất tạo nên chuỗi sản xuất bền vững từ con giống, thức ăn, chế biến, tiêu thụ và phải có cam kết, có hợp đồng, kế hoạch. Với chuỗi liên kết khép kín này, sẽ không có chuyện cung vượt cầu vì tất cả những sản phẩm sản xuất ra đều đã có kế hoạch để tiêu thụ, như vậy, cung - cầu sẽ cân bằng, giúp giá cả ổn định.
Cụ thể, theo TS Đào Thế Anh- Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực, người nông dân bắt buộc phải tham gia chuỗi này mới được cung cấp sản phẩm cho các chuỗi nội địa. “Đây là cách duy nhất để có thể kiểm soát được nguồn cung cấp đầu ra và giữ ổn định thị trường”- TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.
Minh Phương/ Đại đoàn kết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn