Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc đang mở rộng quy mô, đầu tư dây chuyền nhằm giảm áp lực "ngoại lấn át nội". Thế nhưng, với lợi thế đang nghiêng về phía doanh nghiệp nước ngoài thì bài toán cạnh tranh không dễ có lời giải.
Sáng 2/2, Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 3 - Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng số vốn đầu tư 150 tỷ đồng, công suất tới 400.000 tấn mỗi năm. Lãnh đạo Hồng Hà cho biết, mục tiêu phấn đấu trong tương lai gần của công ty là trở thành một trong 5 doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cơ sở để hãng đặt ra mục tiêu góp mặt trong danh sách 5 doanh nghiệp đứng đầu là khoản doanh thu mà công ty đạt được trong năm 2011 là 1.500 tỷ đồng, đóng góp ngân sách vào khoảng 7 tỷ đồng với hơn 160.000 tấn sản phẩm được tiêu thụ.
Trước đó, ít nhất 3 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng tuyên bố mở rộng mạng lưới, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất tại Đồng Nai với công suất từ 120.000 tấn đến vài trăm nghìn tấn mỗi năm. Lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ, nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước hiện rất lớn vì vậy, việc đầu tư công suất được nhiều doanh nghiệp đặt ra nhằm mục tiêu hạn chế tối đa việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu.
Tuy nhiên, một chuyên gia am hiểu lĩnh vực cho rằng, cả nước hiện có 233 nhà máy sản xuất, trong đó 175 doanh nghiệp có vốn trong nước, còn lại 58 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh. Do vậy, việc doanh nghiệp Việt đua nhau mở rộng dây chuyền sản xuất, đẩy mạnh đầu tư... vẫn chưa cho thấy điểm sáng của thị trường bởi các lợi thế hiện nay còn nghiêng về doanh nghiệp ngoại. Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 3 - Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng số vốn đầu tư lên đến 150 tỷ đồng, công suất lên tới 400.000 tấn mỗi năm.
Theo ông, thị trường thức ăn chăn nuôi thời gian qua chứng kiến cuộc đào thải khá lớn. Cạnh tranh gay gắt khiến số lượng doanh nghiệp trong nước giảm tới 50% chỉ trong vòng 3 năm qua. Riêng quý I/2011, gần 30% doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn cho tôm, cá phải đóng cửa. Số khác chấp nhận sáp nhập hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, những đơn vị vốn 100% nội địa còn tồn tại và phát triển là những doanh nghiệp có tiềm lực về vốn và chiến lược đầu tư chiều sâu và dài hạn.
Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu - Lê Trọng Lý cũng cho biết, các doanh nghiệp nội chỉ chiếm khoảng 20-25% thị phần ở những vùng "rất xương" mà nhà đầu tư ngoại không với tới được như vùng sâu, vùng xa, vùng dịch bệnh... Trong khi thực tế, mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 25-30 triệu tấn sản phẩm các loại nhưng sản lượng đáp ứng chưa đầy 12 triệu tấn. Do vậy, đây là miếng bánh béo bở mà các hãng nước ngoài đang mong muốn có được. Chính vì thế, ngay sau sự kiện một doanh nghiệp có trụ sở tại Hong Kong mua lại công ty thức ăn chăn nuôi, 2 nhà đầu tư khác của Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ rót 2 tỷ yen để xây dựng nhà máy thức ăn gia súc tại Việt Nam với mục tiêu sẽ chiếm 10% thị phần vào năm 2020.
Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam - Lê Bá Lịch cho rằng, các nhà sản xuất nội đang phải đối mặt với vấn đề lãi suất, vốn vay và cơ chế. "Thức ăn chăn nuôi cũng là loại hình dịch vụ nông nghiệp mà Chính phủ khuyến khích đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, chưa có chính sách nào thực sự hữu hiệu để hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa. Do vậy, để doanh nghiệp Việt cạnh tranh được với các công ty nước ngoài hiện tại là rất khó", ông Lịch nói.
Ông cho biết, trở ngại lớn nhất hiện nay mà doanh nghiệp nội phải đối mặt là vấn đề lãi suất vay. Trong khi các hãng nước ngoài được vay vốn ưu đãi ở nước sở tại chỉ vài % thì các nhà sản xuất của Việt Nam lại chịu lãi suất lên tới trên 20%. Chưa kể, các doanh nghiệp nước ngoài còn được ưu thế vay vốn bằng ngoại tệ và được công ty mẹ hỗ trợ thu mua nguyên liệu giá thấp và được trả chậm.
Tại cuộc họp mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thị trường thức ăn chăn nuôi, nhiều ý kiến đánh giá, thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước tiếp tục phát triển mạnh nhưng không ổn định, lợi thế vẫn nghiêng về phía các hãng nước ngoài. Do đó, để giải quyết tình trạng mất cân đối này, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ngay trong năm 2012, Nhà nước nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phát triển, đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương hiệu Việt ra thị trường.