Dù tôm là mặt hàng bị cảnh báo chất lượng nhiều nhất trong năm qua nhưng sản phẩm này đã có sự cải thiện chất lượng rõ rệt. Theo cảnh báo của Bộ Y tế Nhật Bản, năm 2012, Việt Nam bị cảnh báo 74 lô tôm, giảm gần 34% so với 112 lô của năm 2011, trong đó tôm nhiễm Enrofloxacin là một trong những vướng mắc lớn nhất của các nhà chế biến tôm xuất khẩu sang Nhật. Trong tháng 1/2012, tôm nhiễm Enrofloxacin ở mức cao nhất là 13 lô, sau đó giảm xuống còn 6 lô trong tháng 2. Đến khi Bộ Nông nghiệp và PTNT cấm sử dụng Enrofloxacin trong sản xuất và kinh doanh thủy sản từ 01/03/2012 thì các DN đã tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, kết quả là chỉ có 1 lô tôm nhiễm chất này. Trong các tháng tiếp theo, Việt Nam chỉ còn 1-2 lô bị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh báo chất lượng. Năm 2012, Việt Nam đã ổn định việc kiểm soát thủy sản nhiễm Trifuralin nên đến 8 tháng của năm 2012 không phát hiện lô hàng nào bị nhiễm chất này. Theo đó, cả năm 2012, Nhật Bản chỉ thống kê được 4 lô thủy sản Việt Nam tồn dư Trifuralin, giảm 87,5% so với 32 lô của năm 2011; 8 lô nhuyễn thể bị cảnh báo, giảm 46,6% so với 15 lô của năm trước, chủ yếu do nhiễm khuẩn và tồn dư Cloramphenicol; 13 lô hàng nhiễm Cloramphenicol, tăng nhẹ so với 12 lô của năm trước. Ngoài ra, vẫn còn một số lô hàng tồn dư Furazolidone, nhiễm khuẩn E.coli hoặc không đảm bảo điều kiện vệ sinh trong chế biến bảo quản. Bước sang năm 2013, rào cản Ethoxyquin tại thị trường Nhật Bản vẫn là nỗi lo lớn nhất của các DN chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam. Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý hiệu quả việc sử dụng Ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm, dẫn đến việc tồn dư Ethoxyquin trong tôm nguyên liệu thì nguy cơ ngành tôm Việt Nam mất dần thị phần tại Nhật Bản là rất cao. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2012, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và EU. Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản, ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, chúng ta cũng cần mạnh tay hơn về vấn đề chất lượng VSATTP, theo đó, cần tăng cường kiểm tra chất lượng ATVSTP theo chuỗi từ sản xuất con giống đến nuôi trồng và chế biến xuất khẩu; rà soát lại danh mục các loại hóa chất sử dụng trong nuôi trồng, khai thác thủy sản và có văn bản cấm sử dụng các chất gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và xuất khẩu thủy sản. Thành Công Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn