Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi kêu lỗ một thời gian dài, người chăn nuôi lỗ 5.000 - 6.000 đồng/kg gà, nhưng người tiêu dùng vẫn đang phải mua sản phẩm với giá rất cao. Đây là một nghịch lý của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Trước thực trạng này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam.
Thưa ông, hiện nay có thực trạng là người chăn nuôi và doanh nghiệp chăn nuôi đang lỗ nặng, giá bán sản phẩm rất rẻ và bị tồn đọng hàng, tuy nhiên, người tiêu dùng không được tiếp cận sản phẩm với giá thực mà vẫn phải trả giá rất cao. Đâu là nguyên nhân gây ra khoảng cách này?
- Tại thời điểm hiện nay, một số mặt hàng như thịt gà công nghiệp, trứng có giá bán rất thấp do khủng hoảng thừa và do ảnh hưởng của sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, điểm bất cập nhất là trong chuỗi phân phối lợi nhuận và tiêu thụ trong chuỗi sản xuất gà thì lợi nhuận của người sản xuất chỉ chiếm 5%, trong khi đó thương lái thu lợi nhuận 22%, người bán buôn bán lẻ trên 30-33%. Chính vì vậy, sản phẩm đến người tiêu dùng giá vẫn cao mặc dù giá mua tại chỗ thấp. Đấy chính là điểm nghẽn trong hệ thống sản xuất tiêu thụ của ngành chăn nuôi nói chung cũng như của ngành gia cầm nói riêng.
Vậy, làm thế nào để rút ngắn khoảng cách này?
- Theo tôi phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi. Phương thức chăn nuôi gia công cũng là sản xuất theo chuỗi, hợp tác xã liên kết doanh nghiệp cũng là một chuỗi, và thế giới sản xuất đều theo hợp đồng, mà có lẽ lâu dài để cạnh tranh được chúng ta cũng phải tổ chức sản xuất như vậy, chứ không phải phát triển chăn nuôi theo kiểu tự phát như lâu nay, dẫn đến khủng hoảng thừa và bùng nổ về sản lượng và không tiêu thụ được.
Để bảo hộ sản xuất trong nước, chúng ta cần có hàng rào kỹ thuật như thế nào?
- Nước nào cũng có những biện pháp kỹ thuật để bảo hộ cho sản xuất trong nước. Khi gia nhập các hiệp định thương mại của khu vực và thế giới, nước ta cũng vậy. Nhưng đã đến lúc các cơ quan quản lý cần nghiêm túc nghiên cứu để đề ra các biện pháp, các hàng rào kỹ thuật đối với các mặt hàng xuất khẩu để bảo hộ cho sản xuất trong nước.
Tôi lấy ví dụ, khi một quốc gia xuất khẩu nào đó xảy ra dịch, lập tức chúng ta phải cấm nhập khẩu tại nơi có dịch, phải hành động ngay chứ không để quá trễ, quá trễ một vài tháng là sản phẩm của người ta đã xuất ra khỏi nước đó rồi. Thứ hai, cần nghiên cứu về thời gian bảo quản, phương pháp bảo quản để đưa ra các biện pháp kỹ thuật theo thông lệ quốc tế, theo tiêu chuẩn quốc tế để hạn chế sản phẩm chất lượng kém, sản phẩm gần hết hạn tràn vào nước ta.
Ông đánh giá như thế nào về hàng rào kỹ thuật hiện nay của Việt Nam?
- Có thể nói là còn yếu kém và chúng ta cần phấn đấu để vươn tới để khi vào sân chơi thế giới phải phấn đấu điều đó để đạt được hàng rào kỹ thuật như các nước đã làm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thảo Nguyên (Dân Trí - Thực hiện)