Thời điểm này, nông dân các tỉnh Nam Trung Bộ đang vào chính vụ thu hoạch sắn (mì). Tuy nhiên, năm nay do thời tiết nắng hạn kéo dài khiến năng suất giảm mạnh, kéo theo đó là giá sắn tươi giảm, bà con kém vui.
Nhiều hộ nông dân Phú Yên lo lắng vì giá sắn xuống thấp. Phú Yên: 5kg sắn không mua được ly càphê đá
Mặc dù đã vào mùa thu hoạch nhưng gần một tháng qua, nhiều người trồng sắn ở Phú Yên vẫn chưa muốn nhổ sắn bán với lý do tiền thuê nhân công cao, trong khi giá thu mua quá thấp, chỉ 1.100- 1.200 đồng/kg sắn tươi. Với giá này, các hộ dân bán 5kg sắn vẫn chưa mua được ly càphê đá bình dân.
Dọc theo tuyến đường liên huyện từ Đồng Xuân qua Sơn Hòa, Sông Hinh, những ngày này có hàng đống bao tải đựng sắn bỏ giữa đám hoặc bên lề đường chờ thương lái tới mua. Ông Nguyễn Hậu, nông dân trồng sắn ở huyện Đồng Xuân, cho biết: Tôi bán cho thương lái sắn tươi với giá 1.200 đồng/kg, trong khi thời điểm này năm ngoái giá lên tới 2.100 đồng/kg. Sản lượng sắn năm nay cũng giảm, cân hết đám chỉ được vài tấn, thấp hơn năm vừa rồi rất nhiều. "Những vụ trước, sắn vừa nhổ xong thì thương lái đã đưa xe tải vào cân với giá cao. Nhưng năm nay, gọi họ đến cân, họ chỉ trả lời ậm ừ và hẹn mai đến, nhưng chờ hoài không thấy đâu". Năm nay, giá sắn quá thấp không đủ trả chi phí như phân bón, giống… Với giá sắn như hiện nay, bà con sẽ phải chuyển sang cây trồng khác nhưng chưa biết tìm loại cây nào cho hiệu quả cao hơn.
Chị Tống Thị Khang ở huyện Sông Hinh buồn bã: "Chưa năm nào giá sắn rẻ như năm nay, giá xuống thấp nhiều lần so với trước đây. Vụ sắn năm nay, gia đình tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng để trồng sắn. Sau hơn 1 tháng, cây sắn phát triển xanh tốt, lá mượt. Tuy nhiên, đến tháng thứ 2, nắng hạn kéo dài làm cho sắn héo lá kém phát triển, sau khi trời mưa thì sắn đã ra củ non, mặc dù bón phân nhưng sắn không lại sức, phát triển kém hơn so với các năm trước. Đến khi thu hoạch, nhổ thử vài cây thì mỗi cây chỉ thấy vài củ nhỏ, xem như cả gia đình tôi đã làm không công trong cả vụ này".
Trao đổi với chúng tôi, một số hộ trồng sắn cho rằng, nguyên nhân giá sắn rớt thê thảm là do cây chậm lớn, củ nhỏ. Tỷ lệ cây sắn chết cao là do đầu vụ thời tiết nắng hạn kéo dài làm cây sắn còi cọc, kém phát triển, một nửa diện tích sắn bị chết, dẫn đến giá thu mua của các nhà máy cũng như thương lái thấp.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sông Hinh, đầu vụ trồng sắn trên địa bàn huyện không có mưa, nên diện tích gieo trồng bị nắng hạn làm chết 3.463ha. Hiện, bệnh chổi rồng tiếp tục gây hại diện tích sắn trồng giống KM 94. Năng suất sắn ước đạt 20 tấn/ha, sản lượng 199.740 tấn. Với giá trung bình các năm trước từ 2.000 - 2.100 đồng/kg, nông dân thu lãi từ 20 - 25 triệu đồng/ha, nhưng hiện nay, sắn vừa giảm năng suất, vừa giảm chữ bột, giá chỉ có 1.500 đồng/kg nên thu nhập thấp hơn các năm trước.
Bệnh chổi rồng hiện gây hại trên cây sắn tập trung ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân với tỷ lệ cây bị bệnh chiếm 5 - 6%; cá biệt có vùng lên đến 30 - 60%. Năm 2011, lần đầu tiên bệnh chổi rồng xuất hiện trên giống sắn KM 94 tại xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên đã yêu cầu các huyện phối hợp với các nhà máy chế biến tinh bột sắn và ngành bảo vệ thực vật tăng cường quản lý vùng nguyên liệu đã được quy hoạch, tuyệt đối không để nông dân sử dụng cây sắn bị bệnh làm giống trồng vụ mới. Tuy nhiên, nông dân Phú Yên có thói quen trao đổi hom giống qua lại để trồng, dẫn đến giống nhiễm bệnh từ vùng này lan sang vùng khác, vì thế hiện tại niên vụ này có gần 100ha sắn bị nhiễm bệnh chổi rồng.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, khi sắn bị bệnh chổi rồng, năng suất giảm từ 10 - 30% và hàm lượng tinh bột giảm ít nhất 20%.
Nông dân xã Cát Hiệp (Phù Cát - Bình Định) thu hoạch sắn bán cho thương lái. Bình Định: Năng suất thấp, giá giảm
Phù Cát là huyện có chân đất cát khá lớn nên sắn được người dân địa phương xem là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập chính. Hiện nông dân Phù Cát đang vào chính vụ thu hoạch sắn, nhưng giá giảm mạnh so với cùng thời điểm năm ngoái, làm người trồng rất lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Út, ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát), canh tác 5 sào sắn, ngao ngán nói: Vụ sắn năm ngoái, giá tăng liên tục, vào chính vụ thương lái mua tại ruộng lên đến 1.800 đồng/kg, thu hoạch đến đâu thương lái đến tận ruộng mua ngay đến đó. Còn vụ này, giá sắn tươi giảm mạnh, đầu vụ giá từ 1.400 - 1.500 đồng/kg, còn bây giờ rớt xuống 1.200 - 1.300 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân chỉ từ huề vốn đến thua lỗ chứ không có lãi.
Bên cạnh nỗi lo bị mất giá, năm nay, người trồng sắn ở Phù Cát còn thêm nỗi lo mất mùa do nắng hạn kéo dài, cây sắn phát triển kém, năng suất thấp. Ông Nguyễn Văn Hùng, cũng ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp, rầu rĩ: "Năm nay gia đình tôi trồng 10 sào sắn, do khô hạn kéo dài nên nhiều diện tích sắn bị chết, số còn lại thì năng suất rất thấp. Hiện, tôi đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích nhưng chỉ đạt có 4 tấn, bán cho thương lái chỉ được 5 triệu đồng, giảm hơn một nửa so với các vụ trước. Mì vừa mất mùa, mất giá nên vụ này coi như bị thất thu".
Ông Phan Sỹ Hùng, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cát, cho biết: "Năm nay tình trạng hạn hán kéo dài đã làm cho năng suất sắn trên địa bàn huyện giảm mạnh. Các năm trước, thời tiết thuận lợi, năng suất sắn tại địa phương đạt từ 26-28 tấn/ha; còn năm nay chỉ đạt 22-23 tấn/ha".
Một khó khăn khác đối với người trồng sắn là giá đang có chiều hướng giảm mạnh. Hiện, giá mua của thương lái tại ruộng giao động từ 1.200 - 1.300 đồng/kg sắn tươi, giảm 200 - 300 đồng/kg so với đầu vụ. Với mức giá này, theo tính toán của nông dân, 1ha mì trồng trong thời gian 9 - 10 tháng chỉ thu được từ 23 - 25 triệu đồng; giảm từ 8 - 10 triệu đồng so với thời này năm ngoái. Trong khi đó, chi phí sản xuất như phân bón, công lao động, vận chuyển... lại tăng cao.
Vì sao giá giảm?
Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng phòng Kinh doanh thuộc Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định, cho biết: Giá sắn thời gian gần đây có chiều hướng giảm là do hàm lượng tinh bột trong sắn nguyên liệu tại các địa phương không cao. Hiện nay, công ty đang mua sắn nguyên liệu với 3 mức giá tại nhà máy gồm: sắn có hàm lượng tinh bột đạt 30% giá 1,8 triệu đồng/tấn; sắn có hàm lượng tinh bột 25% giá 1,59 triệu đồng/tấn; hàm lượng tinh bột 20% giá 1,26 triệu đồng/tấn. Qua kết quả thu mua sắn nguyên liệu, hầu hết sắn của nông dân trong tỉnh thu hoạch năm nay hàm lượng tinh bột chỉ đạt trên dưới 20% nên giá thu mua có giảm. Để kịp thời giải quyết hết lượng sắn nguyên liệu tồn đọng của nông dân, vừa qua, nhà máy chế biến tinh bột đã nâng công suất lên gấp đôi, từ 250 tấn tươi/ngày lên 500 tấn tươi/ngày. Thời điểm này, mỗi ngày, nhà máy mua được khoảng 300 tấn sắn nguyên liệu, trong đó, mua của nông dân trên địa bàn tỉnh khoảng 200 tấn.
Cũng theo ông Tùng, giá thu mua sắn nguyên liệu giảm so với cùng kỳ các năm trước là do việc xuất khẩu sắn tinh bột đang gặp khó khăn, giá tinh bột sắn trên thị trường thế giới giảm. Tuy nhiên, để tiêu thụ nhanh cho nông dân, đơn vị cải tiến cách thu mua đơn giản, thanh toán tiền mặt kịp thời để giải phóng nhanh lượng sắn thu hoạch của bà con nông dân. Đối với các địa phương ở xa nhà máy như: Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh…, công ty có chính sách hỗ trợ thêm cước vận chuyển với giá 30.000 đồng/tấn nguyên liệu. Đồng thời, để giữ ổn định vùng nguyên liệu, nhà máy đã quy hoạch diện tích sắn nguyên liệu khoảng 9.000ha, tập trung ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu nhằm định hướng phát triển diện tích sắn trên địa bàn tỉnh theo hướng thâm canh bền vững, chấm dứt tình trạng phát triển tự phát, phá vỡ quy hoạch, tác động xấu đến môi trường, giá cả…
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn