Tăng cả lượng và chất Với kết quả khả quan của năm 2012, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đều tỏ ra phấn khởi. Bởi thực tế, đến hết quý I/2012, cả nước chỉ xuất khẩu được 400.000 tấn, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, các quý tiếp theo, sản lượng xuất khẩu liên tục tăng, đặc biệt ngay trong tháng 12 Việt Nam đã xuất hơn 650.000 tấn. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, khẳng định đây là mức xuất khẩu cao chưa từng có, chủ yếu là nhờ tiêu thụ kịp thời sản lượng lúa gạo hàng hóa, giữ ổn định giá lúa gạo trong nước..., đồng thời công tác điều hành xuất khẩu gạo đã hợp lý hơn, các DN phát huy tính chủ động, linh hoạt… Theo VFA, chất lượng gạo Việt Nam cũng đã có sự chuyển biến nhất định, tỉ lệ gạo cao cấp đã chiếm 46% và tăng trên 79% so với năm 2011; loại gạo trung bình và cấp thấp đã giảm mạnh, chỉ còn chiếm khoảng 35% và giảm 32% so với năm ngoái. Tỉ lệ gạo thơm đã tăng nhiều, chiếm 7,57% và tăng 21,8% so với năm 2011... Theo số liệu cân đối của Bộ NN-PTNT, năm 2013, lượng gạo hàng hóa khoảng 7,6 triệu tấn, chưa tính tồn kho năm 2012 chuyển sang nên dự kiến xuất khẩu khoảng 7,5 - 7,6 triệu tấn, thấp hơn mức xuất khẩu 2012. Dự kiến là vậy nhưng sẽ xuất tối đa tùy theo khả năng cân đối và nhu cầu thị trường. Cụ thể, ngay trong quý I/2013 sẽ xuất khoảng 1,4 triệu tấn. Để đạt được điều này, ngoài củng cố thị trường truyền thống, các DN cần tăng cường, mở rộng thị trường cũng như khách hàng mới. Hạn chế hủy hợp đồng từ phía Trung Quốc Lo ngại lớn nhất hiện nay của VFA là tình hình xuất khẩu gạo sang Trung Quốc (TQ). Năm 2012, TQ là thị trường mới nổi, đứng đầu trong số các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam với sản lượng hơn 2 triệu tấn. Tuy nhiên, năm qua, nước này cũng hủy hợp đồng nhiều nhất, đến 600.000 tấn, gây khó khăn cho DN trong nước. Năm 2013, dự báo TQ vẫn là nước nhập khẩu mạnh với hạn ngạch được phân bổ gồm 2,66 triệu tấn gạo hạt dài và 2,66 triệu tấn gạo hạt ngắn/trung bình. VFA lưu ý các DN khi xuất khẩu sang TQ phải hạn chế thấp nhất tình trạng bị hủy hợp đồng. “Phải thận trọng trong các tiêu chuẩn hàng hóa, thời gian chuyển hàng, hợp đồng rõ ràng... Cần đặc biệt lưu ý khi lập bộ chứng từ vì rất dễ bị phía đối tác dùng “kỹ thuật” gây thiệt hại lớn” - ông Phong khuyến cáo. VFA lưu ý trong quý I/2013 chỉ có hợp đồng của TQ là chính (các thị trường khác ít nhập trong quý này) nên DN cần có kế hoạch mềm dẻo giải quyết thành công; đồng thời thúc đẩy xúc tiến xuất sang các thị trường mới nổi ở Tây Phi... Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Angimex (An Giang) cho biết, thị trường Nhật Bản khá tiềm năng, nhưng cần kiểm soát tốt dư lượng hóa chất, với 593 chỉ tiêu. Nhu cầu của Nhật Bản hàng năm khoảng 700.000 tấn gạo thông qua đấu thầu. Hiện nay Thái Lan vẫn là nước cung cấp chính thị trường này. Sau 3 năm gián đoạn, năm 2012 Angimex đã trúng thầu và xuất khẩu trở lại thị trường khó tính nhưng tiềm năng này. Nếu khuyến cáo bà con nông dân tuân thủ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát được dư lượng hóa chất sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường này sẽ giúp nâng cao giá gạo xuất khẩu bình quân lên. Chỉ trong quý 1 phải giải quyết 4,6 triệu tấn gạo hàng hóa, nhưng dự kiến chỉ xuất khẩu khoảng 1,4 triệu tấn; còn lại 3,2 triệu tấn. Do vậy, tạm trữ được xem là giải pháp trước mắt cần thực hiện để giữ giá không bị giảm sâu. VFA cho rằng, Bộ NN-PTNT sớm kiến nghị Chính phủ mua tạm trữ ngay 1,5 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2012 - 2013 càng sớm càng tốt. Kinh nghiệm những năm qua, đặc biệt là năm 2012 cho thấy, chỉ khi nào nhà nước công bố việc mua tạm trữ thì nhà nhập khẩu mới chịu ngồi vào bàn đàm phán và chốt giá. Vì vậy, không nên chần chừ. Có thể nói, đây là lượng mua tạm trữ một vụ cao nhất nhiều năm qua, khi thông thường chỉ mua khoảng 1 triệu tấn vụ đông xuân và 500.000 tấn gạo vụ hè thu.
Sơn Nhung |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn