7 tháng đầu năm 2012 là quãng thời gian ngành sản xuất và xuất khẩu cá tra đối diện với nhiều khó khăn nhất Ảnh: KHÁNH - TRUNG 7 tháng trầm lắng Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 853,7 triệu USD. Sang tháng 7, xuất khẩu cá tra tiếp tục giảm gần 10%, dù mức giảm đã thấp hơn so với tháng 6 nhưng ở thời điểm đó, chưa có một dấu hiệu nào cho thấy, xuất khẩu ngành cá tra sẽ khả quan hơn. Có thể nói, 7 tháng đầu năm 2012 là quãng thời gian ngành sản xuất và xuất khẩu cá tra đối diện với nhiều khó khăn nhất. Liên tiếp những tin không vui về thị trường cũng như nguồn nguyên liệu. Tới 40% diện tích nuôi cá bị "treo” do người nông dân không có lãi. Giá đầu vào tăng cao trong khi giá xuất khẩu thấp đã khiến nhiều nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bỏ ao. Thực trạng này đã khiến các doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu để phục vụ cho xuất khẩu. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ cá tra cũng gặp nhiều khó khăn không kém, chủ yếu là do khủng hoảng tài chính ở một số nước châu Âu ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu thụ cũng như khả năng thanh khoản của các nhà nhập khẩu. Nếu như sản lượng xuất khẩu cá tra sang châu Âu trước đây chiếm tới 50-60% thì 7 tháng đầu năm đã sụt giảm đến một nửa, chỉ còn 25%. Đặc biệt, thời điểm đó, một thông tin khá sốc đến với "cộng đồng cá tra” khi biết rằng, cá tra vào các nước châu Âu – một trong các thị trường chính của ngành cá tra – bị "miệt thị”. Nhiều chuyên gia thủy sản đã đưa ra nhận định rằng, những thông tin sai lệch liên quan đến con cá tra là một trong những yếu tố chính khiến cho tình hình tiêu thụ cá tra Việt Nam tại EU sụt giảm. Hiện tượng bôi xấu cá tra Việt Nam bắt đầu sau khi Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa cá tra vào danh sách đỏ. Tiếp đó, truyền hình một quốc gia EU đăng tải thông tin sai lệch về việc sử dụng lao động cũng như quy trình nuôi và chế biến cá tra tại Việt Nam. Cũng từ đó, người tiêu dùng EU đã có những quan điểm tiêu cực đối với cá tra và mô hình nuôi cá tại Việt Nam. Liên quan đến thị trường này, VASEP đưa ra một thông tin đáng buồn rằng, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU giảm mạnh về giá trị và khối lượng ở hầu hết các thị trường chính như Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Bỉ và Ý. Đây là một trong những thiệt thòi lớn của ngành cá tra Việt Nam, và có thể nói, đó cũng là thời điểm con cá tra gặp nhiều "điều thị phi” nhất kể từ sau khi thoát khỏi danh sách đỏ (các sản phẩm được khuyến cáo không không nên sử dụng) của WWF. Ngành cá tra đã bước qua được cơn khủng hoảng và đang cố gắng về đích Ảnh: KHÁNH TRUNG Khởi sắc Tuy nhiên, từ cuối quý II đến thời điểm này, sự trầm lắng ấy đã giảm, thay vào đó là những khởi sắc được minh chứng bằng những con số đáng lạc quan. Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đạt trên 1 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2011. Điều này cho thấy, chỉ trong vòng 1 tháng (tháng 8), những nỗ lực trong sản xuất và xuất khẩu của ngành cá tra đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện kéo dài 7 tháng trước đó. Bức tranh xuất khẩu cá tra đang ở gam màu trầm đã sáng lên nhanh chóng khi liên tiếp nhận được những tin vui: Theo VASEP, từ nay đến cuối năm là thời điểm các nhà nhập khẩu tăng cường nhập cá tra để phục vụ các dịp lễ chào năm mới, do đó giá trị xuất khẩu cá tra trong quý IV-2012 dự báo sẽ đạt mức cao nhất so với các tháng trong năm. Dự báo giá trị xuất khẩu cá tra trong quý IV sẽ tiếp tục tăng, đạt khoảng 480 triệu USD, tăng khoảng 12% so với quý II-2012. Các thị trường truyền thống lớn mà ngành cá tra đã "bám trụ” được lâu nay, đó là Mỹ và các thị trường tiềm năng như: Hàn Quốc, Australia, Mexico, Trung Quốc và khối ASEAN… vẫn đang gia tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam và đây là những thị trường vẫn bộc lộ những tín hiệu về nhu cầu cao. Do vậy, đây tiếp tục là cơ hội tốt để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và về đích sớm trong năm 2012. Tuy nhiên, VASEP cũng đưa ra một thông tin không vui, đó là chưa thấy có dấu hiệu chuyển biến khả quan hơn từ thị trường châu Âu khi sức mua tại thị trường này vẫn chưa được cải thiện hơn. Dù vậy, với những thông điệp nói trên đến từ VASEP, có thể khẳng định, ngành cá tra đã bước qua được cơn khủng hoảng và đang cố gắng về đích với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm 2012. Lương Bá Quang |
Nguồn:daidoanket.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn