Tính đến hết tháng 9/2012, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 83,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 31,3 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 52,5 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ.
Việc kim ngạch xuất khẩu tháng 9 giảm 6% so với tháng 8 (đạt 9,7 tỷ USD) theo đánh giá của Bộ Công Thương là do chu kỳ của thị trường. Trong các tháng tiếp theo, xuất khẩu dự kiến sẽ tăng do được bổ sung một số nguồn như cà phê bước vào vụ thu hoạch, việc giảm thuế xuất khẩu than sẽ góp phần làm tăng lượng than xuất khẩu... Nhìn nhận về xuất khẩu 9 tháng qua, dẫn đầu phải kể tới nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến, đây là nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tháng 9 giảm 9% so với tháng 8 nhưng nếu so với tháng 9/2011 thì vẫn tăng 17,1%, đạt 6,2 tỷ USD. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 53,19 tỷ USD chiếm 63,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2011. Các mặt hàng có mức kim ngạch xuất khẩu cao là dệt may đạt 11,25 tỷ USD, điện thoại các loại đạt 8,56 tỷ USD, giày dép các loại 5,24 tỷ USD, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng 4,14 tỷ USD, phương tiện vận tải và phụ tùng 3,4 tỷ USD,... Chiếm 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 4,8% so với cùng kỳ, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản 9 tháng xuất khẩu ước đạt ước đạt 8,87 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, trừ than đá, các mặt hàng khác trong nhóm đều tiếp tục gặp thuận lợi về giá xuất khẩu. Trong đó dầu thô tăng 14,7%, quặng và khoáng sản khác tăng 2,5%, hai mặt hàng còn lại là than đá giảm 27% và xăng dầu giảm 5%. Đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2011. Cũng theo Bộ Công Thương tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 9 tháng ước đạt 83,75 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2011. Trong khi nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 6,8%, nhóm hàng hoá nhập khẩu cần kiểm soát giảm mạnh 37,5% thì nhóm hàng hoá cần nhập khẩu cũng chỉ tăng 10,2%. Theo một số chuyên gia, việc nhập khẩu của nhóm hàng cần nhập khẩu tăng trưởng thấp cũng gây ra những quan ngại đối với việc đầu tư, phát triển sản xuất trong nước và sản xuất, gia công, chế biến hàng xuất khẩu. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị của ngành tổ chức đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường, đồng thời yêu cầu các tham tán thương mại tại các nước, đặc biệt là các thị trường trọng điểm kịp thời phát hiện các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát những thông tin bất lợi đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường, kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hiệp hội biết để chủ động ngăn ngừa, giải quyết sớm các vấn đề phát sinh.
| |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn