Chủ của trại lợn kể trên là ông Mai Văn Cường, xóm 8, xã Xuân Kiên. Ông Cường bảo, từ khi bắt tay làm trang trại tới nay là 18 năm, chưa khi nào nghề nuôi lợn điêu đứng như hiện nay.
Ông Mai Văn Cường bên trại lợn của gia đình. Ảnh: Thành Nam. |
“Tôi từng trải qua nhiều đợt dịch lợn tai xanh, rồi thì lở mồm long móng… nhưng chưa có loại bệnh dịch nào gây thiệt hại lớn như dịch tả lợn châu Phi”.
Khu nuôi lợn của ông Cường nằm tách biệt dân cư, gần bãi tha ma, xung quanh có thêm 3 hộ chăn nuôi. Đây đều là những trại lợn dày dặn kinh nghiệm trong vùng.
Giữa tháng 3, dịch tả lợn châu Phi tràn tới xã Xuân Kiên dù người dân, chính quyền đã dùng đủ mọi biện pháp ngăn chặn từ xa. Ba trại lợn xung quanh nhà ông Cường lần lượt dính bệnh. Dù của đau con xót, 3 chủ trại vẫn cắn răng ký vào biên bản tiêu hủy toàn bộ đàn lợn có trong chuồng. Trại nhà ông Cường nằm ngoài cùng, bốn gia đình chung một lối đi rộng chừng 2 mét.
Ông Cường kể, khi nhìn từng con lợn chết bị máy múc cẩu qua cổng trang trại, ông thấy một tương lai xám xịt. Ai cũng “phán”, sớm muộn gì trại lợn của gia đình cũng theo chân ba hộ kia mà thôi.
Khi đó, trong chuồng của ông Cường có 80 lợn nái, 6 lợn đực và gần 300 lợn thịt. Còn nước còn tát, ông Cường huy động cả gia đình mua vôi, thuốc sát trùng, thuốc muỗi, tỏi, bồ kết… về làm biện pháp an toàn sinh học. “Lúc đó, gia đình tôi mua vôi về rắc trắng xóa đường đi lối lại, cả trong khu vực nuôi. Tôi dùng củ tỏi đốt trong chuồng lợn. Riêng quả bồ kết thì đốt trong chậu có ủ trấu”, ông Cường kể.
Trại lợn của ông Cường cùng 3 hộ khác dùng chung một nguồn nước. Ảnh: Thành Nam. |
Ngoài các biện pháp kể trên, ông Cường còn mua thuốc diệt muỗi, phun ngày 1 lần vào buổi tối. Kèm với đó là phun các loại thuốc sát trùng do Chi cục chăn nuôi – thú y tỉnh cấp, cường độ ngày 1 lần. Trong thời gian này, ông Cường tuyệt đối không cho người lạ ra vào trại. Xe chở cám về đậu từ xa, ông mang xe cải tiến trong trại đã khử trùng ra lấy.
Những ngày vừa qua, khi các trại lợn xung quanh đã sạch bách, đàn lợn của ông Cường vẫn khỏe mạnh, đến kỳ xuất bán. Giá bán tăng dần theo từng đợt, từ 30 nghìn đồng/kg nay tăng lên 45 nghìn đồng/kg. Ông Cường khoe, trong chuồng còn gần 60 con lợn chuẩn bị xuất bán, thương lái trả 45 nghìn đồng/kg.
“Từ giờ tới cuối năm, nếu giữ được trại khỏi dịch bệnh, tôi sẽ có thêm vài trăm lợn xuất bán dịp Tết. Dự là giá sẽ cao, nhưng chắc chắn không có lãi, vì thời điểm trước lợn không bán được hoặc rớt giá thấp quá. Mong sao cả năm không thua lỗ là may lắm rồi”, ông Cường trần tình.
Ngay cả chủ trại là ông Cường cũng đang hết sức bối rối về trường hợp của mình. Ông Cường bảo, qua theo dõi đài báo và thực tế ở địa phương, dịch bệnh lây lan rất nhanh, không thể kiểm soát. Trong khi, trại lợn của ông nằm kề bên 3 trại có dịch, lại dùng chung nguồn nước nhưng 4 tháng qua vẫn an toàn.
Vôi bột trắng xóa khu vực trang trại của 4 hộ chăn nuôi. |
Ông Cường thú thực, làm gì có bí quyết gì đâu, cũng chỉ biết thực hiện các biện pháp an toàn sinh học mà thôi. Theo ông, các loại tỏi, bồ kết, hay thuốc khử trùng cũng chỉ phần nào hạn chế được các sinh vật trung gian chứ tuyệt đối thì không thể. Còn nói những loại này diệt được virus thì càng hoang đường.
Không chỉ đàn lợn thịt, 2 con lợn đực giống gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cấp vẫn khỏe mạnh, cung cấp cả trăm lợn con cho gia đình. Đàn lợn nái vẫn sinh sản sòn sòn giữa bão dịch. “Riêng đàn lợn đực, tôi được cấp giống, các loại thuốc, thiết bị như máy soi tinh trùng, tủ bảo ôn… Cán bộ khuyến nông Trung ương cũng như của tỉnh thường xuyên về kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp an toàn sinh học. Nên khi dịch xảy ra, gia đình cũng phần nào yên tâm vì nắm vững kiến thức phòng bệnh”, ông Cường cho biết.
Ông Bùi Văn Quang, cán bộ thú y xã Xuân Kiên xác nhận sự việc tại trại lợn của gia đình ông Cường. Theo ông Quang, dù làm thú y lâu năm, nghiên cứu nhiều tài liệu, thông tin báo đài nhưng tới nay vẫn chưa hiểu cơ chế lây lan dịch bệnh như thế nào.
Cũng theo ông Quang, cũng tại xã Xuân Kiên, có hai hộ chăn nuôi xin giữ lại gần 100 lợn con theo mẹ xác định dương tính dịch tả châu Phi để… làm thí nghiệm. Khi đó, mỗi con chỉ đạt chừng 5 kg.
Không chỉ bên ngoài, trong khu vực chăn nuôi, vôi bột cũng được sử dụng đậm đặc để phòng dịch. |
Kỳ lạ thay, sau hơn 4 tháng, dù nuôi ngay tại chuồng trại phơi nhiễm virus, đàn lợn này vẫn khỏe mạnh, không hề có dấu hiệu dịch bệnh. Trọng lượng trung bình đạt 10 – 40 kg/con. “Chúng tôi đang hết sức bối rối về những trường hợp này. Vài tháng nữa thì không biết, nhưng tới giờ số lợn giữ lại vẫn khỏe mạnh. Chúng tôi rất mong cơ quan chuyên môn cao hơn nghiên cứu, chỉ rõ nguyên nhân”, ông Quang nói.
Đem câu chuyện tại xã Xuân Kiên trao đổi, ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi – thú y Nam Định lắc đầu, đúng là tới giờ chúng tôi cũng bối rối, không hiểu cơ chế lây truyền như thế nào.
Theo ông Hiểu, trong quá trình kiểm tra tại các huyện, gặp không ít trường hợp lợn con đang bú mẹ nhiễm dịch tả châu Phi phải đem đi tiêu hủy. Nhiều gia đình xin giữ lại đàn lợn con để nuôi, tới nay vẫn lớn như chưa có chuyện gì xảy ra. Vị này cũng mong muốn cấp Bộ cũng như các nhà khoa học cần vào cuộc nghiên cứu, đánh giá lại cơ chế, mức độ lây lan của dịch bệnh.
Tại tỉnh Nam Định, trọng lượng lợn bị tiêu hủy đã lên tới hơn 13 nghìn tấn. Số ổ dịch vẫn xuất hiện rải rác tại 10 huyện, thành phố với 188 xã chưa qua 30 ngày. Tỉnh này đã cấp kinh phí trên 149 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương. Tổng kinh phí Nam Định phải hỗ trợ cho chủ hộ nuôi lợn bị thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn