“Tôi điện thoại khắp các nơi nhưng thương lái họ lắc đầu dù tôi có giảm giá hay khuyến mãi đến mức nào đi chăng nữa. Nếu 10 ngày nữa không ai mua thì 10 tấn bí kia sẽ thối hết. Tiền đầu tư 12 triệu coi như đổ xuống sông”, anh Mai Công Phụng, thôn 3, xã An Trung (huyện Kông Chro, Gia Lai) chua chát nói.
Đến ngày thu hoạch vẫn không thấy bóng dáng thương lái
Dù nhiều vườn dưa hấu, bí đao trắng của nông dân ở huyện Kông Chro và TX An Khê (Gia Lai) đã đến ngày thu hoạch, nhưng không thấy bóng dáng thương lái đến thu mua như những vụ trước.
Dọc 2 bên đường dẫn vào xã Chư Krei (Kông Chro) nhiều vườn bí đao trắng đã khô cây, chỉ còn quả nằm lăn lóc trên đất, một số thửa khác bí thối gần hết, chủ vườn phải thu lượm chất từng đống.
Vào đến thôn 1, thấy chúng tôi chuẩn bị dừng xe thì một số nông dân tưởng là thương lái thu mua bí nên đã tiến lại mời chào. Ông Hà Văn Hơn dẫn chúng tôi qua rẫy bí của nhà mình rồi ra giá: “Tôi còn gần 70 tấn bí. Anh mua của tôi đi, tôi bán rẻ hết cho”. Khi nhận ra chúng tôi không phải là người mua bí, ông Hơn và những người khác tỏ vẻ thất vọng.
Theo ông Hơn, bí đao trắng nếu bán được với giá gần 2.000 đồng/kg là nông dân đã có lời. Tuy nhiên những năm gần đây, giá bí đao tăng gấp 3 nên nhiều người đổ xô trồng. Ông Hơn cũng không ngoại lệ. Năm nay, ông Hơn đầu tư 2ha với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Vườn bí cho tổng sản lượng gần 100 tấn. Cứ nghĩ năm nay bí được mùa, gia đình hốt bạc nào ngờ đến ngày thu hoạch thì không có ai đến mua. Ông chạy khắp nơi mời mọc thương lái cũng chỉ bán được 30 tấn với giá 1.000 đồng/kg. 70 tấn còn lại, hiện phơi khô trên đồng. Nhiều tấn bí không bán được, quá ngày thu hoạch đã thối rữa.
Tại xã An Trung (Kông Chro), nông dân cũng đang tất bật chạy đôn chạy đáo tìm thương lái để bán tống bán tháo vườn bí đao trắng của mình. Anh Mai Công Phụng (thôn 3, xã An Trung) có 8 sào đất trồng bí với sản lượng 10 tấn cho biết: “Tôi điện thoại khắp các nơi nhưng thương lái họ lắc đầu dù tôi có giảm giá hay khuyến mãi đến mức nào đi chăng nữa. Nếu 10 ngày nữa không ai mua thì 10 tấn bí kia sẽ thối hết. Tiền đầu tư 12 triệu coi như đổ xuống sông”.
|
Dưa bán không được để cho bò ăn |
Chung tình cảnh như bí đao trắng là dưa hấu. Năm nay, chị Nguyễn Thị Hậu (làng Rơn, xã Yang Nam, Kông Chro) cho biết, gia đình chị trồng 3 ha dưa với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Sản lượng vườn dưa là 90 tấn. Do không có thương lái đến mua nên chị đánh liều thuê 3 chiếc xe tải chở 60 tấn dưa lên cửa khẩu Lai Châu để xuất bán cho Trung Quốc với giá 3.000 đồng/kg. Mức giá này chỉ đủ cho chị trả tiền thuê xe. 30 tấndưa còn lại, chị vứt ngoài đồng cho bò ăn. Như vậy, toàn bộ tiền đầu tư bị mất trắng, đó là chưa kể công chăm sóc.
Thống kê của xã này cho thấy, diện tích trồng dưa ở địa bàn xã là 40 ha, trong đó đa số diện tích bị lỗ do giá thấp.
|
Những ruộng bí nhà ông Phụng để thối không ai mua |
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng NN-PTNTN huyện Kông Chro cho biết, mùa vụ năm nay, huyện có160ha dưa hấu, còn bí đao trắng là 40ha. Đối với dưa hấu, giá dưa dao động từ 500 đồng - 2,5 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay khiến nhiều người trồng lỗ nặng. Còn bí đao trắng, chỉ bán được 20/40 ha, số còn lại đang nằm chờ thương lái.
Tại An Khê, nông dân trồng dưa cũng chung tình cảnh thất bại. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết, tại địa phương, ngoài dân tại chỗ trồng dưa, còn có người nơi khác đến thuê đất trồng. Hiện chưa xác định được diện tích dưa hấu được trồng. Qua nắm thông tin, năm nay dưa rớt giá thê thảm nên nhiều hộ mất trắng, hộ may mắn thì huề vốn đầu tư.
Nông dân tự loay hoay, huyện...bó tay
Theo các nông hộ, khi đưa ra quyết định trồng cây gì thì họ lựa chọn hoàn toàn cảm tính. Có hộ thấy dân ở vùng khác trồng dưa nhiều thì đua nhau trồng theo. Có hộ thấy năm ngoái bí đao trắng cho giá cao nên phá mì, bắp sang trồng bí. Tựu chung lại đều trồng tự phát, không nghiên cứu đất đai, thổ nhưỡng, đầu ra xem có ổn định không. Vì thế mới có chuyện, dù khu vườn được mùa nhưng một khi chưa cầm được tiền bán nông sản trong tay, họ còn sống trong nỗi lo sợ sẽ lỗ chỏng vó vì không có đầu ra, hoặc bị ép giá…
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kông Chro cho biết, dưa sản xuất ra chủ yếu đưa qua Trung Quốc bán, không có đầu ra ổn định. Vì thế giá cả hoàn toàn thuộc vào thị trường bên ngoài. Về việc nông sản trồng ra không ai mua, ông Hưng cho biết, phía huyện chỉ giúp đỡ được nông dân trong khâu thời vụ, chỉ cách dùng giống…, còn đầu ra thì bó tay.
|
Nông dân loay hoay với cây nông sản mà không có bất kì định hướng nào |
Đồng quan điểm, ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai cho răng, dưa hấu, bí đao do người dân trồng tự phát. Chuyện giá cả do thị trường điều tiết, địa phương không can thiệp được. “Trước khi trồng, nông dân nên nắm bắt, nghiên cứu kỹ thị trường để xác định mức độ tiêu thụ. Từ đó xác định diện tích trồng cho phù hợp, tránh trồng diện tích quá lớn”, ông Uyển khuyến cáo.
Theo Tiến sĩ Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, việc trồng tự phát sẽ kéo theo chuyện nông sản không bán được. Vì thế, địa phương cần phải có quy hoạch cụ thể với từng loại cây. Việc quy hoạch phải gắn với vấn đề tiêu thụ, phải có thị trường, đầu ra cho bà con. Quy hoạch theo loại cây có khả năng thị trường cũng như từng vùng đất thích hợp. Nhà nước cần có đánh giá cụ thể vùng đất đó có thích hợp với cây trồng đấy chưa. Nếu thích hợp nhưng giá cả không tiêu thụ được thì cái đó thuộc vấn đề quản lý của nhà nước. Nhà nước cần tìm thị trường cho bà con, có cơ chế nào đó để bao tiêu sản phẩm cho họ…
“Ngoài ra, người dân cũng tìm hiểu kỹ các loại cây trồng phù hợp với địa phương mình. Cần chú trọng tìm hiểu đầu ra, gắn với các doanh nghiệp thu mua thì việc sản xuất ra mới có khả năng tiêu thụ được”, Tiến sĩ Vinh nói thêm.
Nguồn: nongthonviet.com