Mưa bão liên tục trong những ngày gần đây đã khiến cho hàng nghìn ha cây trồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bị sâu bệnh gây hại nặng.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ, sau khi cơn bão số 2 kết thúc, diện tích cây trồng bị sâu bệnh phát sinh tăng mạnh. Trên cây lúa đã có trên 4.300 ha bị nhiễm sâu bệnh, trong đó trên 1.800 ha bị bệnh sinh lý, gần 900ha bị chuột hại, gần 700ha nhiễm khô vằn, hơn 120ha rầy các loại; mức độ hại từ nhẹ đến trung bình, xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Trên cây chè trên 2.500ha bị nhiễm, trong đó bọ xít muỗi là 978ha, bọ cánh tơ 476ha, rầy xanh 960ha mức độ hại nhẹ. Trên cây bưởi bệnh chảy gôm, bệnh loét, ruồi đục quả tăng cao so với kỳ trước và cùng kỳ năm trước.
Ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay Chi cục đang điều tra diễn tiến chính xác tình hình dịch hại, nhất là đối với cây lúa, đồng thời tích cực tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành, thị khẩn trưởng chỉ đạo, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh đảm bảo an toàn cho sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật tới cơ sở, nông dân cách nhận biết và phòng trừ sâu bệnh an toàn, hiệu quả.
Chi cục cũng đang khuyến cáo người dân đào rãnh tiêu thoát nước đối với diện tích còn trũng úng; các diện tích nước đã rút tập trung dọn dẹp, vệ sinh ruộng vườn, tiến hành xới xáo, phá váng cho cây trồng cạn; tích cực chăm sóc để cây trồng nhanh phục hồi. Đối với sâu bệnh, nông dân thường xuyên kiểm tra và xử lý phòng trừ kịp thời, không để thiệt hại thêm và lây lan ra diện rộng.
Riêng đối với cây lúa tiến hành bón thêm 10-15kg supe lân/sào kết hợp với làm cỏ sục bùn cho những diện tích lúa vàng lá do nghẹt rễ, phun chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho lúa... Thời gian tiếp theo, đặc biệt quan tâm đến bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn.
Đối với rau màu, các ruộng sau ngập úng thường xuất hiện các bệnh như lở cổ rễ, thối cây, thối nhũn, nông dân cần dọn sạch tàn dư, tiêu hủy nguồn bệnh và xử lý đất trước khi trồng vụ tiếp theo. Đối với cây ăn quả, trên cây có múi chú ý phòng trừ bệnh chảy gôm, ruồi đục quả; trên nhãn, vải chú ý bệnh thán thư; trên cây chuối chú ý bệnh đốm lá, thán thư; ...
Theo Chi cục, tình hình thiên tai còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất trong thời gian ngắn tới cây lúa chuyển sang giai đoạn đứng cái, làm đòng, giai đoạn rất mẫn cảm với điều kiện thời tiết bất thuận và sâu bệnh hại bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, phòng chống sâu bệnh gây hại kịp thời để giảm thiệt hại./.
Theo Đào An/ TTXVN