Bẫy chuột dọc theo thành lưới, mỗi ngày đều bắt được chuột
Chuột tấn công cắn phá mùa màng của nông dân, gây thiệt hại về số lượng và chất lượng sản phẩm là chuyện “cơm bữa” nhưng chưa có cách làm nào để ngăn chặn hiệu quả. Nông dân đã sử dụng nhiều phương pháp như: đào hang, bơm nước, sử dụng chó, mèo diệt chuột, dùng bẫy lồng, bẫy rập, bẫy cây trồng… song hiệu quả chỉ nhất thời.
Trăn trở tìm đủ cách, từ vụ đông xuân năm 2014, trên diện tích nếp hơn 1ha, lão nông Đỗ Văn Thiệt nghĩ ra cách “thí điểm” bao lưới cước quanh ruộng lúa và kết hợp bẫy rập thủ công để phòng ngừa chuột tấn công. Ban đầu, thấy lưới rách chỗ nào, ông cho đặt bẫy vị trí đó. Ngoài bẫy được chuột còn bắt được nhiều loại động vật khác nên ông bố trí bẫy mật độ dày hơn, dọc theo đường lưới bao quanh ruộng.
Ông Thiệt cho biết, làm cách này chi phí thấp, mua lưới cước và rập chuột thủ công chỉ 3 triệu đồng, sử dụng nhiều năm, an toàn. Nhiều người ngại chi phí ban đầu nên không áp dụng, nhưng ông khẳng định chỉ 1 lần bỏ vốn, thời hạn sử dụng lưới và bẫy chuột rất lâu.
Lưới cước được bao quanh ruộng lúa khi bắt đầu xuống giống với chiều cao 0,8m, chôn sâu 0,1m và bố trí các rập chuột xung quanh bằng cách khoét những lỗ nhỏ vừa với chiếc rập.
Qua 4 năm áp dụng, cách làm của ông Thiệt đạt hiệu quả rất cao, lúa phát triển xanh tốt, không bị thiệt hại do chuột phá, đặc biệt không gây nguy hiểm đến người và môi trường, hầu hết “đồ nghề” chưa bị hư hại.
Mỗi ngày ra thăm đồng, bẫy thủ công của ông Thiệt “săn” được 20-30 con chuột, ếch, rắn… trước đây ông đem bán, nay sử dụng làm nguồn thức ăn nuôi hàng trăm con trăn tại nhà, tiết kiệm đáng kể chi phí.
Ông Thiệt chia sẻ: “Trồng nếp hơn 20 năm qua, chuyện bị chuột cắn phá khiến bà con đau đầu và gây thiệt hại không nhỏ. Thực hành được cách bẫy chuột vừa an toàn, vừa hiệu quả như thế này tui mừng lắm”.
Theo ông Thiệt, chưa kể đến yếu tố thời tiết, sâu bệnh, chỉ riêng chuyện bị chuột cắn phá, nếu không ngăn chuột phá hoại bằng các biện pháp, vụ mùa nông dân sẽ thiệt hại hơn 50% năng suất. Kể từ khi gieo sạ đến khi thu hoạch, số chuột bắt được tính ra cả nghìn con.
Với việc lập bẫy như trên của ông Thiệt, nhiều nông dân đã biết đến và tìm hiểu, nhất là ngành chức năng quan tâm để tuyên truyền, giới thiệu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Xuân Lê Thanh Sơn nhận xét: “Mô hình bẫy chuột thủ công của ông Thiệt không quá phức tạp, chi phí đầu tư thấp, rất phù hợp với nhiều hộ dân đang canh tác lúa gần bờ đê lớn, gần nhà và vườn tạp. Nhờ vậy, nhiều năm qua, diện tích đất canh tác lúa nếp của ông Thiệt đạt hiệu quả rất cao, lúa phát triển xanh tốt. Đáng nói là sáng kiến của ông rất an toàn, không gây nguy hiểm đến người và môi trường”.
Ngành nông nghiệp huyện Phú Tân đang tuyên truyền nhân rộng mô hình này để nhiều nhà nông học tập, áp dụng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn