Tại Nghệ An, các huyện Yên Thành, Diễn Châu... dịch rầy bùng phát mật độ lớn tại một số điểm cục bộ và gây cháy cục bộ một số nơi như xã Diễn Nguyên, Diễn Cát...
Cháy rầy tại xã Diễn Nguyên, Diễn Châu |
Ông Nguyễn Văn Phú, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt & BVTV Diễn Châu cho biết: “Thời gian qua thời tiết bất thường, nhiệt độ và ẩm độ cao, lúa Hè Thu trà 1 (đang giai đoạn ôm đòng - trỗ - phơi mau), trên các giống BC15, TBR225, Nếp 97, ADI 28, Hương Biển 3, DT52, Bắc thơm 7… và trà 2 (giai đoạn ôm đòng - trỗ) trên các giống VTNA2, VTNA6, Kim cương 111, Thiên ưu 8, Bắc Hương 9, KD 18, KD đột biến, SL9… mật độ rầy nâu, rầy lưng trắng trung bình 3.000 - 5000 con/m2, cục bộ 7.000 - 8.000 con/m2”.
Bà Nguyễn Thị Tình, Ban Nông nghiệp xã Diễn Nguyên chia sẻ: “Trong 4 ngày vừa rồi bà con tập trung phun dập dịch, nhưng mật độ quá cao, một số ruộng đã cháy, họ lo lắng nên đổ xô đi phun thuốc, ruộng đồng ngập mùi thuốc. Mỗi bình phun từ 50 - 90 nghìn đồng mà họ vẫn mua. Mật độ cao nên tâm lý nông dân là muốn phun để rầy chết ngay và họ chọn các thuốc tiếp xúc, xông hơi. Tuy nhiên các dòng thuốc này hiệu lực ngắn, sau phun ít ngày rầy lại quay trở lại, do trứng mới nở ra”.
Cũng theo bà Tình, chủ yếu các thửa ruộng không bị ngập úng do đợt mưa vừa rồi, hoặc các ruộng ngập 3 - 4 ngày, sau khi nước rút 2 ngày, đi kiểm tra ruộng thì mật độ rầy quá cao, có thể do nước ngập, dồn rầy các vùng khác về, vì ở xã Diễn Nguyên trũng hơn.
Dịch rầy tại xã Diễn Nguyên, Diễn Châu |
Tại Hà Tĩnh, diễn biến dịch rầy cũng rất phức tạp, hiện đã có hơn 350ha nhiễm rầy tập trung các huyện Cẩm Xuyên (xã Cẩm Nam, Cẩm Yên, Cẩm Dương, Cẩm Hòa...), Can Lộc, Thạch Hà... mật độ trung bình 1.000 - 2.000 con/m2, cục bộ 15.000 - 20.000 con/m2. Một số ruộng đã cháy cục bộ.
Để phòng trừ rầy hiểu quả, bà con cần hiểu rõ 7 nguyên nhân dẫn đến cháy rầy như sau: Không phát hiện sớm rầy. Đặc biệt giai đoạn trước 45 ngày sau gieo cấy; Phun muộn, lúc mật độ quá cao, rầy tuổi 4, tuổi 5, rầy đã đẻ trứng nhiều và chích hút hết nhựa cây, chỉ chờ nắng lên là khô cháy; Sử dụng thuốc phổ rộng (thuốc tiếp xúc xông hơi) sớm, tiêu diệt hết thiên địch; Phun phà trên ngọn lúa, hoặc dùng thuốc tiếp xúc mà không rẽ lúa; Sử dụng thuốc tiếp xúc, xông hơi nhiều lần trong 1 vụ, hoặc chỉ dùng các loại thuốc này khi mật độ rầy cao, giai đoạn cuối vụ; Duy trì quan điển sai lầm, là không dùng thuốc nội hấp từ đòng trỗ - chắc xanh; Phun không đảm bảo kỹ thuật: lượng nước, cách pha chế, phối trộn...
Đặc biệt cần đảm bảo 3 yếu tố sau để có thể kiểm soát tốt nguy cơ bùng phát dịch rầy và cháy rầy: Phát hiện rầy sớm, phun khi mật độ trên 500 con/m2. Không phun thuốc phổ rộng trước 45 ngày sau gieo cấy. Chỉ sử dụng các loại thuốc chọn lọc, không làm hại thiên địch; Hạn chế sử dụng thuốc tiếp xúc khi mật độ chưa lớn hơn 5.000 con/m2; Nên dùng thuốc nội hấp có hiệu lực kéo dài, khi bộ lá còn xanh (chưa đỏ đuôi) và khi phát hiện rầy cánh ngắn, nhiều rầy chửa (bụng to). Vì rầy cánh ngắn là đặc trưng cho tốc độ phá hoại và sinh sản. Mỗi con có thể đẻ từ 150 - 250 quả trứng, sau khoảng 1 tuần trứng nở. Thuốc tiếp xúc chỉ làm chết rầy trưởng thành khi phun, nhưng không tiêu diệt được hàng vạn quả trứng đã đẻ trong bẹ lá và không đủ hiệu lực để tiêu diệt rầy con sẽ nở sau 1 - 7 ngày sau đó.
Nhận diện rầy cánh ngắn, rầy cánh dài |
Có thể sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Chess 50WG, Metagold 800WP, Anbom 40EC, Victory... Phun theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn địa phương. Nếu mật độ cao, trên 5.000 con/m2 nên sử dụng thuốc dập dịch trước, để giảm nhanh nguồn rầy sinh sản, thông thường tỷ lệ đực/cái của rầy nâu là 1/1,3 nên chỉ sau 1 tuần mật độ có thể phát sinh đến hàng vạn con. Sau đó 3 - 5 ngày cần phun lại bằng các thuốc nội hấp có hiệu lực kéo dài như Chess 50WG, Metagold 800WP, Sutin 5EC... để đón các lứa mới nở ra từ các ổ trứng đã được đẻ trong bẹ lá. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn