Một số người dân trồng huệ lâu năm ở địa phương cho biết, vào những năm 1990, cây huệ được một vài hộ dân trồng ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung. Cây huệ chỉ thật phát triển mạnh và mở rộng diện tích trong những năm gần đây khi được nhiều người biết đến và thị trường tiêu thụ rộng.
Theo UBND xã Phong Hòa, nhờ cây huệ mà nhiều hộ nghèo ở xã thoát được nghèo, vươn lên làm giàu. Ông Nguyễn Triệu Phú ngụ ấp Tân Phong, xã Phong Hòa chia sẻ: “Trước đây, trồng huệ cho thu nhập cao và rất ổn định, vì người trồng không phải tốn chi phí mua phân rơm, tiền mướn đất và thuê nhân công thấp nhưng giá huệ bông cao... Bởi vậy, tôi mới thoát được nghèo, có tiền cất nhà, mua đất, gia đình khấm khá như bây giờ”.
Hiện nay phong trào trồng huệ phát triển mạnh mẽ ở Lai Vung. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nếu như vài năm trước đây, toàn huyện chỉ có khoảng vài chục ha trồng huệ tập trung ở xã Phong Hòa thì hiện nay, toàn huyện có trên 246ha huệ được trồng chủ yếu ở các xã như: Phong Hòa, Định Hòa, Tân Hòa... Cùng với hệ lụy tăng nguồn cung thì giá cả bắt đầu biến động và có dấu hiệu tuột dốc.
Hiện tại, thương lái đến mua huệ loại I tại ruộng giá từ 1.200 - 1.500 đồng/bông, thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 40 - 50% và thấp hơn những năm trước đó từ 60 -70%. Một số bà con và thương lái cho biết, huệ tuột giá từ sau Tết nguyên Đán đến nay và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Nguyên nhân giá huệ xuống thấp là do nguồn cung dồi dào, thêm vào đó, từ cuối năm 2013, huệ không xuất được sang thị trường Campuchia, nên thị trường nội địa ứ hàng.
Những năm trước đây, cây huệ được phong là cây xóa đói giảm nghèo tại một số nơi ở Lai Vung, vì phần lớn những hộ trồng huệ trước đây là những nông dân nghèo, có ít hoặc không có đất sản xuất, phải thuê đất trồng huệ và phất lên nhờ cây huệ. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều người chuyển sang trồng huệ nên chi phí thuê đất được đẩy lên liên tục, khiến người trồng huệ càng gặp khó khăn. Anh Huỳnh Văn Niên - nông dân trồng huệ ở xã Định Hòa cho biết: “Hiện tại mọi chi phí sản xuất đều tăng vọt, nếu như trước đây mướn 1.000m2 đất chỉ tốn từ 5 - 6 triệu đồng/năm thì giờ tăng lên 10 triệu đồng, người thuê phải trả tiền ngay. Bên cạnh đó, giá phân rơm cũng tăng làm cho tổng chi phí trồng huệ rất cao”.
Do chi phí sản xuất tăng cao nhưng giá huệ rớt thấp nên nông dân gặp nhiều khó khăn. Một số nông dân không có vốn phải đi vay tiền để sản xuất, nhưng do tình hình giá huệ “đóng băng”, nông dân rơi vào tình trạng vốn thì chưa lấy lại được, “lãi mẹ đẻ lãi con”...
Khó khăn chính của người trồng huệ ở Lai Vung có thể nói vẫn ở khâu tiêu thụ. Mặc dù diện tích trồng huệ ở Lai Vung khá lớn, nhưng hệ thống tiêu thụ còn rất mỏng, chủ yếu dựa vào thương lái. Theo phản ánh của nhiều bà con trồng huệ thì qui tắt giao thương giữa thương lái và nông dân ở đây khác rất nhiều so với các loại nông sản khác. Ông Liêu Di Nhỏ ngụ xã Tân Hòa chia sẻ: “Mỗi ngày thương lái đến ruộng thu bông huệ nhưng không cho giá của ngày hiện tại mà đến ngày hôm sau khi lái đã tiêu thụ xong nhà vườn mới biết giá. Tiền huệ được thanh toán mỗi tháng 1 lần. Với cách mua bán như vậy, chủ yếu do người trồng và thương lái tin tưởng nhau bởi “chữ tín”, chứ không tin thương lái thì bán cho ai”.
Tuy nhiên, cách mua bán này cũng kéo theo nhiều hệ lụy, bởi bên cạnh những thương lái có uy tín, làm ăn đàng hoàng thì còn nhiều thương lái làm ăn kiểu “giậu đỗ bìm leo”, đùng đẩy và không có trách nhiệm khi huệ rớt giá, làm mất lòng tin và gây thiệt hại cho người trồng.
Trước tình hình hiện tại, bà con trồng huệ ở Lai Vung rất mong mỏi địa phương có phương án qui hoạch vùng sản xuất và hướng đến liên kết tiêu thụ bền vững.
Theo báo Đồng Tháp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn