Tranh thủ xuống giống
Hiện tại các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và TX. Hồng Ngự, tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp đã cơ bản thu hoạch xong vụ Hè Thu (HT), người dân đang tất bật lo cho vụ TĐ sớm.
Những người có kinh nghiệm cho biết, nước trên sông Hậu, sông Tiền chuyển sang màu đỏ đục báo hiệu mùa lũ đã về. Mực nước ở Tân Hồng đang lên nhanh chính vì vậy khả năng mùa nước sẽ về.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự chính thức khuyến cáo nông dân không sản xuất ở diện tích ngoài đê bao.
Hồng Ngự có 16 ô đê bao với diện tích 12.100ha được khuyến cáo làm lúa TĐ sớm. Hiện đã xuống giống hơn 200ha, còn lại tập trung cao điểm vào đầu tháng 8.
Vụ lúa TĐ 2018, toàn tỉnh Đồng Tháp sẽ xuống giống 130.000ha, trong đó, diện tích xuống giống sử dụng lúa chất lượng cao chiếm 70%.
Để thực hiện các chỉ tiêu đề ra, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương thực hiện nhiều giải pháp như: Xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể trên cơ sở chủ động trong phòng, chống sâu bệnh, mưa, lũ, tiêu úng kịp thời kết hợp với kế hoạch xả lũ. Chỉ xuống giống trên những diện tích có bờ bao chống lũ triệt để nhằm bảo đảm sản xuất an toàn.
Tính chuyện né rầy
Đồng Tháp cũng lưu ý người trồng lúa đặc biệt áp dụng những tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”… xuống giống đồng loạt để né rầy. Tránh chuyện mạnh ai nấy làm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất.
Tại TP. Cần Thơ, đến nay nông dân đã xuống giống hơn 2.000ha/54.900ha lúa TĐ. Các trà lúa TĐ chủ yếu mới sạ và ở giai đoạn mạ, sinh trưởng và phát triển tốt. TP.Cần Thơ, năm nay dự kiến đỉnh nước lũ rơi vào tháng 10 dương lịch.
Theo lịch khuyến cáo thời vụ xuống giống vụ TĐ của Cần Thơ gồm: Đợt 1 từ ngày 26/6 - 2/7 và đợt 2 trước ngày 15/7. Tuy nhiên, lịch thời vụ này chỉ mang tính tham khảo, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu tại chỗ và tình hình rầy di trú kết hợp với chế độ thủy văn, xây dựng lịch thời vụ cụ thể. Vận động bà con xuống giống tập trung đồng loạt nhưng vẫn bảo đảm thời gian giãn cách vụ và áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ lúa nhằm bảo đảm chất lượng hạt lúa và hạn chế thất thoát sau thu hoạch khi lũ về sớm.
Để vụ lúa TĐ an toàn và ăn chắc, trước mắt cần chủ động tổ chức xuống giống đồng loạt, né rầy, tránh lũ. Bảo đảm trên từng khu vực không có các trà lúa xuống giống với các thời điểm khác nhau đan xen, nhằm tránh tích lũy và lây lan mầm sâu bệnh, gây khó cho quản lý dịch hại.
Các chuyên gia nông nghiệp ĐBSCL khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, các giống lúa mới phù hợp với điều kiện ở địa phương, cho năng suất và chất lượng cao, đồng thời phải chống chịu được với một số dịch hại quan trọng. Sử dụng những giống lúa cho vụ TĐ cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn và nhất là độ cứng cây để hạn chế đổ ngã.
Sử dụng giống có thời gian sinh trưởng giống nhau, tiến tới việc sử dụng giống đồng nhất, chất lượng cao trên cùng cánh đồng để nâng cao giá trị hàng hóa, áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, không sử dụng lãng phí lượng lúa giống gieo sạ, lượng giống sử dụng không quá 120kg/ha.
Mặt khác, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích người trồng lúa sử dụng phân bón sinh thái, quản lý rầy nâu bằng chế phẩm sinh học và bón phân xịt thuốc hóa học đúng cách nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hoàng Huy/ Người tiêu dùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn