Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại Việt Nam. Đến đầu 2019, Việt Nam có tổng đàn lợn khoảng 32 triệu con, đứng đầu ASEAN và thứ 2 Châu Á.
Chăn nuôi lợn đang hình thành chuỗi giá trị, tuy nhiên đứng trước nhiều nguy cơ về dịch bệnh. Từ tháng 2 đến nay, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ước tính đã có 4 triệu con lợn buộc phải tiêu huỷ…
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, những kinh nghiệm trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi giữa hai nước và kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh động vật của Hà Lan là rất hữu ích đối với ngành chăn nuôi Việt Nam trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; nhất là việc kiểm soát, khống chế được dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Từ đó, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, gắn với ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi.
Kinh nghiệm của Hà Lan trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi là khi có sự xâm nhập dịch bệnh tả lợn, đóng cửa quốc gia 72 giờ để thu thập thông tin về tình hình dịch tễ, thông tin mầm bệnh, giảm nguy cơ lây lan; bảo đảm trong 72 giờ không có hoạt động giết mổ, vận chuyển, lây lan thêm dịch bệnh…
Đặc biệt, Hà Lan tiêu huỷ phòng ngừa tại các trang trại trong bán kính 1 ki lô mét từ vùng ổ dịch, để bảo đảm an toàn cách ly. Dẫn chứng là khi bệnh dịch tả lợn ở Hà Lan năm 1997 xuất hiện, Chính phủ nước này đã tiêu huỷ lợn bệnh tại 429 trang trại bị nhiễm và tiêu hủy phòng ngừa tại hơn 1 nghìn 200 trang trại. Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman cho biết, trước đây, Hà Lan cũng đã bị thiệt hại hàng triệu Euro do dịch tả lợn (truyền thống). Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi đã từng xuất hiện tại Hà Lan, nhưng dịch bệnh này đã được khống chế sau một thời gian ngắn.
“Kinh nghiệm trong phòng chống dịch tả lợn là cần có sự hợp tác với các bên liên quan như: doanh nghiệp, Chính phủ, Viện nghiên cứu. Sửa đổi bổ sung chính sách kiểm soát khi có thay đổi trong thái độ, nhận thức của xã hội và điều kiện kỹ thuật cho phép. Hợp đồng với các ngành công nghiệp để nghiên cứu phát triển vác xin”– Đại sứHà Lan Elsbeth Akkerman nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn