Hòa Bình: Trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng
Gia đình ông Quách Mạnh Hoàn, xóm Ðông Hòa 1, xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất cấy lúa 1 vụ sang trồng cỏ để nuôi bò nhốt chuồng. Với cách làm này gia đình ông thu nhập 170 triệu đồng/năm.
Năm 2015, gia đình ông đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại và mua con giống. Hiện gia đình ông có 30 con bò, trong đó 14 con bò nái, 1 con đực giống Zebu của New Zealand, còn lại là bò và bê con. Những giống bò được ông tuyển chọn, nhập về nuôi chủ yếu là bò lai Sind.
Ông Hoàn cho bò ăn
Với diện tích gần 3ha, chủ yếu là cỏ voi, VA06 được trồng trên đồi và các khu ruộng cạnh đường tỉnh lộ 12B. Ngoài ra gia đình còn tận dụng những phế phụ phẩm trong nông nghiệp như: thân cây ngô, ngọn lá mía... để làm thức ăn cho bò. Khu vực chuồng nuôi nhốt được ông thiết kế khoa học với 2 dãy bò, chuồng trại thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ.
Ông Quách Mạnh Hoàn cho biết: Việc nuôi nhốt bò có nhiều thuận lợi đó là không mất công chăn thả, kiểm soát được dịch bệnh và sự phát triển của bò hàng ngày. Bên cạnh đó, nuôi bò nhốt chuồng nguồn thức ăn tại chỗ là rất quan trọng, đặc biệt là nguồn thức ăn khan hiếm vào mùa đông. Do đó gia đình tôi đã xây dựng thêm 5 bể để ủ chua thức ăn dự trữ cho bò. Thời gian tới gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại và tăng số lượng đàn bò.
Từ đầu năm 2017 đến nay ông Hoàn đã bán được 8 con (cả bò và bê) thu lãi 70 triệu đồng. Ngoài tiền thu nhập từ bán bê và bò thịt gia đình ông còn có thêm nguồn thu từ bò đực phối giống bò cái cho các hộ tại xã và các xã lân cận. Ðể đảm bảo đàn bò phát triển tốt, sau 2 năm là ông loại thải con đực nhằm tránh đồng huyết thống.
Có thể nói mô hình trồng cỏ nuôi bò vỗ béo của gia đình ông Quách Mạnh Hoàn bước đầu đã đem lại thành công. Với hướng phát triển như hiện nay thì chắc rằng mô hình này sẽ còn thành công hơn nữa và cũng là mô hình điểm để các hộ chăn nuôi khác học hỏi.
Bắc Cạn: Chủ động phòng chống rét cho gia súc
Xã Nghiên Loan là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc lớn nhất huyện Pác Nặm (Bắc Cạn). Trong những ngày rét đậm kéo dài các hộ dân đã làm tốt việc che chắn chuồng trại, tích cực chăm sóc cho đàn vật nuôi.
Mặc dù đã gần 10 giờ sáng nhưng anh Hoàng Trung Tâm, thôn Khuổi Phay, vẫn tiếp tục bổ sung cho đàn bò của gia đình thức ăn tinh là cháo nấu trộn gạo và ngô. Trong chuồng đàn bò có 04 con của anh trông vẫn rất khỏe mạnh, theo anh Tâm cho biết thì ngay từ khi bắt đầu có gió rét gia đình anh đã chủ động lấy bạt và ni-lông ra che chắn chuồng cho bò.
Anh Tâm chăm sóc đàn bò cẩn thận, chu đáo trong những ngày giá rét
Ban ngày nắng thì kéo bạt lên và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và cho thoáng đãng, đến tối thì bỏ xuống che lại, để gió không lùa vào chuồng được. Hiện, rất nhiều người chăn nuôi ở trong thôn, ngay khi thu hoạch vụ mùa đã chủ động tích trữ rơm, rạ để gần chuồng, phòng những hôm mưa và rét như mấy tuần vừa qua thì trâu, bò không thả vẫn có thức ăn đảm bảo.
Là một trong những hộ gia đình chuên nuôi trâu, bò vỗ béo bán ở chợ trâu, bò xã Nghiên Loan bà Nông Thị Liệm, thôn Bản Nà thời gian qua, đã bán được rất nhiều trâu bò vỗ béo. Do chủ động chăm sóc và bảo vệ chu đáo nên trâu bò của bà chưa bao giờ bị chết đói, chết rét. Năm 2017, một số hộ trong thôn có trâu, bò bị bệnh lở mồm, long móng, nhưng gia đình không bị, vì đã chủ động phun thuốc tiêu độc khử trùng, hoặc rắc vôi bột thường xuyên trong chuồng trại chăn nuôi.
Theo báo cáo của UBND xã Nghiên Loan thì hiện nay trên địa bàn toàn xã có hơn 2.600 con trâu, bò và đàn lợn hơn 5.200 con. Để đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển tốt, xã đã thường xuyên đôn đốc cán bộ chuyên môn thăm, nắm cơ sở, vận động nhân dân tích cực phòng chống dịch bệnh tại môi trường chăn nuôi.
Mặt khác, chỉ đạo cán bộ thú y tiêm phòng để đảm bảo cho đàn vật nuôi, trường hợp phát hiện có dấu hiệu bệnh, thì kịp thời khoanh vùng, cách ly để xử lý không cho dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Trong vài năm trở lại đây, Nghiên Loan đã không có dịch bệnh lớn xảy ra, đàn vật nuôi tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định, nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi trâu, bò.
Tuy vậy, bên cạnh những nơi làm tốt, vẫn còn không ít hộ gia đình chưa thực sự quan tâm trong việc bảo vệ trâu, bò trong mùa đông. Vì vậy, để duy trì và phát triển tốt hơn nữa đàn vật nuôi, thiết nghĩ các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền.
Ngoài ra, tỉnh còn vận động nhân dân chủ động phòng tránh đói, rét và dịch bệnh bằng các biện pháp kỹ thuật đã được tập huấn chuyển giao. Dự báo trong những ngày tới thời tiếp tiếp tục có những đợt rét đậm, rét hại kèm theo mưa, nên việc chủ động chăm sóc cho đàn vật nuôi là hết sức cần thiết…
Sơn La: Chăn nuôi đại gia súc quy mô trang trại
Nằm cách quốc lộ 37 gần 20km, Hua Nhàn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên (Sơn La) xã có 17 bản, 740 hộ, với 4.279 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 94,2%. Do điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trình độ canh tác của bà con còn nhiều hạn chế, đến hết năm 2017, Hua Nhàn vẫn còn 53,5% hộ nghèo.
Người dân xã Hua Nhàn chăn nuôi đại gia súc.
Với mục tiêu giảm nhanh số hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hàng hóa, năm qua, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Nhà nước, Hua Nhàn đã phát huy nội lực, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Trong đó, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo quy mô trang trại, nuôi nhốt chuồng, bước đầu mang lại hiệu quả cao, đàn gia súc không còn bị chết rét, chết đói, mà tăng nhanh về số lượng, nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi từ 10-20 con trâu, bò, thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, năm 2017, Chương trình 30a đã hỗ trợ 30 con bò cái, 74 con dê và Dự án giảm nghèo hỗ trợ 11 con bò đực cho các hộ nghèo. Cùng với chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh, các bản đã trồng 12,5 ha cỏ voi, để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Chủ tịch UBND xã Vàng A Chu, cho biết: Cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn huyện, xã đã đẩy mạnh vận động, hướng dẫn các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc; chăm sóc, bảo vệ, phát triển tốt các mô hình chăn nuôi được Nhà nước hỗ trợ; chỉ đạo các trưởng bản tuyên truyền vận động bà con phát triển chăn nuôi đại gia súc hình thức nhốt chuồng, không thả rông, hướng dẫn bà con trồng cỏ, dự trữ rơm rạ, bảo đảm đủ nguồn thức ăn cho gia súc.
Đến thăm gia đình anh Vàng A La, một trong những hộ điển hình trong phát triển chăn nuôi đại gia súc ở bản Khúm Khia, gia đình anh vừa bán một con trâu được 24 triệu đồng. Anh La chia sẻ: Mấy năm trước, gia đình anh thuộc hộ nghèo, nhưng từ khi chuyển sang chăn nuôi đại gia súc, hiện nay anh đã có 8 con trâu, 8 con bò, bình quân mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 60 triệu đồng, gia đình đã thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá trong bản. Năm nay, anh đã đầu tư trồng 1ha cỏ voi để chủ động thức ăn cho đàn gia súc và làm 2 chuồng để chống rét cho trâu, bò.
Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó khai thác tốt lợi thế phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Hua Nhàn, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay đàn trâu, bò của xã có gần 1.500 con và trên 1.600 con dê. Chủ tịch xã Vàng A Chu cho biết thêm: Đây là những điều kiện quan trọng để Hua Nhàn tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc.
Hiện nay, cùng với phát triển chăn nuôi đại gia súc, Hua Nhàn đang tập trung mở rộng diện tích cây sơn tra và đưa giống xoài, nhãn ghép vào cải tạo vườn tạp và trồng thay thế diện tích ngô, lúa nương kém hiệu quả, để phát triển cân đối trồng trọt và chăn nuôi.
Dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán 2018, mưa rét vẫn còn nhiều, vì vậy, bà con miền núi cao khu vực phía Bắc, cần học tập các địa phương trên, để có cách làm hay trong phòng tránh rét cho trâu bò.
An Như (tổng hợp)/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn