Mặc dù chỉ chiếm gần 4% trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống NH trên địa bàn, tuy nhiên với sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của các cấp, các ngành tại TP. Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn (NN-NT) giai đoạn 2011-2014 luôn cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống NH trên địa bàn. Cụ thể, năm 2011 là 11,4%, năm 2012: 45,03%, năm 2013: 26,14% và 9 tháng năm 2014 là 31,5%.
Ảnh minh họa
Chia sẻ những kết quả tích cực này, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, ông Tô Duy Lâm đưa ra 3 bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tế. Đây cũng là những bài học đáng suy ngẫm khi bàn về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực NN-NT ở các tỉnh phía Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng.
Thứ nhất, theo ông Lâm là sự sáng tạo trong chính sách và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành ở địa phương. Cụ thể, năm 2011 khi nhận thức được việc triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều vướng mắc, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chủ động ban hành Quyết định 36/2011/QĐ-UBND (sau đó được thay thế bằng Quyết định 13/2013/QĐ-UBND) để mở rộng khả năng cấp vốn và hỗ trợ lãi suất.
Khi triển khai các quyết định này, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, NHNN và chính quyền 24 quận, huyện cùng thực hiện. Tại tất cả các quận, huyện đều có Ban chỉ đạo để thực hiện chương trình, trong đó Phòng Kinh tế là đơn vị đầu mối phối hợp với NHTM để cho vay.
Danh sách nhu cầu vay vốn được chính quyền cấp xã cập nhật và gửi lên liên tục. Chỉ những hồ sơ vay vốn lớn trên 5 tỷ đồng mới cần Hội đồng thẩm định thành phố xét duyệt, còn lại hầu hết đều do chính quyền cấp huyện và NHTM trực tiếp tiếp nhận và giải ngân. Việc phối hợp này còn tạo cơ chế nắm bắt, xử lý khó khăn vướng mắc cho người nông dân một cách nhanh chóng. Chính vì vậy, sau hơn 3 năm thực hiện QĐ 36, tính đến tháng 8/2014 đã có khoảng 12.000 hộ dân được vay vốn NH. Trung bình mỗi hộ vay được từ 300-500 triệu đồng.
Thứ hai là bài học về sử dụng vốn tín dụng hiệu quả. Theo ông Tô Duy Lâm, cũng chính vì cơ chế phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các sở, ngành nên việc kiểm soát sử dụng vốn vay trong lĩnh vực NN-NT thời gian qua được thực hiện khá tốt. Thống kê của NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2014 tổng dư nợ cho vay NN-NT trên địa bàn đã đạt gần 37.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm khoảng 5,1%. Và mặc dù hơn 80% nguồn vốn được giải ngân vào các DN và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nhưng hầu hết đều được các đơn vị sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, các khoản vay ngắn hạn, khoản vay theo chu kỳ của vật nuôi, cây trồng được luân phiên quay vòng đều đặn bởi quan hệ giữa khách hàng và NH trở nên thân thiết, thường xuyên và uy tín.
Thứ ba là bài học về tận dụng lợi thế địa phương, phát triển ngành nghề truyền thống gắn với mô hình nông thôn mới. Theo đại diện ngành NH TP. Hồ Chí Minh, đây là một trong những kinh nghiệm mà các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có thể tham khảo để nhân rộng.
Thực tế tại các xã điểm như Tân Thông Hội (Củ Chi), Tân Nhựt (Bình Chánh), Lý Nhơn (Cần Giờ)… nguồn vốn NH sở dĩ có thể tăng trưởng mạnh là vì nhu cầu vốn vay để đầu tư cơ sở hạ tầng; đầu tư máy móc thiết bị phục vụ thu mua, chế biến nông lâm, thủy hải sản ở các địa phương này rất lớn.
Các xã nông thôn mới nói trên đã chủ động thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới và các DN sản xuất, dịch vụ NN-NT đặc thù. Chẳng hạn tại Củ Chi, Hóc Môn trong vòng vài năm qua đã hình thành hàng trăm DN, HTX sản xuất chế biến rau sạch, hoa cây cảnh, chăn nuôi bò sữa. Trong khi đó tại Cần Giờ, các mô hình DN, HTX hoạt động trong lĩnh vực nuôi, khai thác chim yến, nuôi nghêu, làm muối và du lịch sinh thái cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động với quy mô ngày càng lớn.
Điều đó cho thấy, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới ở một thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh đến nay vẫn đạt gần 12.000 tỷ đồng, hơn 7.000 hộ dân và nhiều DN, HTX đã tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
Những kinh nghiệm trên cho thấy, chính nhờ nắm bắt được lợi thế địa phương cộng với việc đơn giản hóa các thủ tục đầu tư của chính quyền cơ sở đã làm đòn bẩy để các DN và người dân mạnh dạn bỏ vốn làm ăn. Từ đó, nhu cầu vay vốn lớn xuất hiện và các NHTM có cơ hội đưa các gói sản phẩm tín dụng của mình vào địa bàn NN-NT.
Theo thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn