Theo ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cái khó lớn nhất của phát triển kinh tế hợp tác hiện nay là tư duy tiểu nông, văn hóa làng xã còn ăn sâu trong xã hội nông thôn. Điểm yếu của nhiều HTX là khả năng quản trị, kiến thức kinh tế thị trường, khả năng áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng chiến lược phát triển…
Ấy thế mà trong thực tiễn, khi có “bà đỡ” xuất hiện, hàng loạt HTX tự nhiên hình thành và vận hành một cách ngon lành.
Xin nêu câu chuyện của Simexco Daklak ở tít trên Tây Nguyên, nơi đất rộng người thưa, chủ yếu là bà con các dân tộc ít người sinh sống.
Đã từ lâu, Simexco Daklak là nhà xuất khẩu hàng đầu những sản phẩm nổi tiếng của Tây Nguyên, như cà phê, hạt tiêu, cao su… Làm thế nào để phát triển bền vững trong tương lai? Đó là câu hỏi được Lãnh đạo Simexco Daklak thường xuyên đặt ra. Một trong những giải pháp chiến lược mà Cty đã và đang áp dụng thành công, đó là chăm lo cho người sản xuất, hỗ trợ hình thành các HTX.
Với quan điểm lo cho bà con nghĩa là lo cho chính tương lai của mình, Simexco Daklak đã tạo ra mối liên kết giữa các hộ sản xuất với nhau qua mô hình tổ hợp tác. Ở đấy, với vai trò là người bao tiêu sản phẩm, Simexco hợp tác với Tập đoàn Mondelez đồng hành triển khai chương trình Cà phê hạnh phúc (Coffee Made Happy), hỗ trợ bà con các dân tộc nâng cao kiến thức, trao đổi kinh nghiệm canh tác, tiệp cận vốn vay, liên kết mua vật tư nông nghiệp, thuê công hái, chia sẻ thông tin thị trường…
Đến nay, 246 tổ hợp tác đã được thành lập, với quy mô mỗi tổ 50 thành viên hoàn toàn tự nguyện. Trong đó có 5 HTX được thành lập, có 1 HTX đã được tổ chức quốc tế công nhận là HTX "Fairtrade - Công Bằng Thương Mại".
Đấy, chỉ mới một “bà đỡ” xuất hiện mà đã có hàng trăm tổ HTX và HTX ra đời. Thiết nghĩ, nếu chính sách vĩ mô của Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích xuất hiện chỉ cần vài trăm “bà đỡ” như thế trong cả nước thì chắc hẳn chiến lược hình thành HTX kiểu mới sẽ thành công.
Theo baoxaydung.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn