Bộ Tài chính đang hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo hướng không giới hạn đối tượng, địa bàn, trên cơ sở tự nguyện và có sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua 3 năm thực hiện thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp đã có hơn 300.000 hộ tham gia, tổng giá trị được bảo hiểm hơn 7.700 tỷ đồng. Tổng số phí bảo hiểm gần 400 tỷ đồng, nhưng tổng số tiền bồi thường bảo hiểm lên tới hơn 700 tỷ đồng.
Bảo hiểm nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, khó kiểm soát nhất là với ngành nghề nuôi tôm, cá. (Ảnh minh họa: KT)
Kết quả thí điểm cho thấy đây là chính sách lớn cần thiết để hỗ trợ tài chính, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Mặc dù vậy, qua thực tế triển khai, có thể thấy bảo hiểm nông nghiệp thu ít, chi nhiều, các doanh nghiệp bảo hiểm lỗ lớn và không mặn mà tham gia vì nhiều rủi ro, khó kiểm soát nhất là với ngành nghề nuôi tôm, cá.
Theo ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, trong điều kiện diễn biến thiên tai thất thường, tác động lớn sản xuất nông nghiệp, việc tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp là cần thiết.
“Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lấy ý kiến các địa phương, hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù rủi ro lớn, nhưng cần thiết triển khai và phải có cơ chế phù hợp, đảm bảo hài hòa các lợi ích. Thời gian tới sẽ triển khai theo hướng trên cơ sở tự nguyện có sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách của địa phương theo nguyên tắc tự cân đối nguồn đảm bảo và tập trung hỗ trợ những hộ nghèo cận nghèo”, ông Huyền cho hay.
Liên quan đến chính sách bảo hiểm thủy sản theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết tính đến hết ngày 30/6/2016 đã có 28 tỉnh thành phố ven biển tham gia bảo hiểm tàu cá và bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng giá trị bảo hiểm ước đạt hơn 37.000 tỷ đồng, đã tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tuy nhiên, con số báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tổng phí bảo hiểm ước đạt 387 tỷ đồng, trong khi đó tổng bồi thường và đang xem xét giải quyết bồi thường mới đạt khoảng 142 tỷ đồng, liệu doanh nghiệp bảo hiểm có đang hưởng lợi lớn?
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, thực tế chênh lệch này chưa nói lên lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm vì ngoài chi phí bồi thường, doanh nghiệp còn có nhiều chi phí khác như trích lập dự phòng bồi thường, chi phí quản trị doanh nghiệp... Thực tế, đến cuối 2015, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này cho thấy lỗ hơn 50 tỷ đồng.
Lo ngại về việc Bộ Tài chính phê duyệt 4 doanh nghiệp bảo hiểm và mỗi công ty này phụ trách một địa bàn, liệu có dẫn đến độc quyền trục lợi và hạn chế lựa chọn của ngư dân, ông Nguyễn Quang Huyền cho rằng, có các căn cứ để bảo hiểm trên một địa bàn, đó là nguyên tắc bảo hiểm chia sẻ rủi ro. Giá trị trách nhiệm bảo hiểm các tàu hơn 12.000 tỷ đồng, không doanh nghiệp nào có đủ năng lực để đảm bảo nên phải sử dụng công cụ bảo hiểm chia sẻ rủi ro.
Ngoài ra, bảo hiểm phải đáp ứng thông lệ thị trường quốc tế và quy định pháp luật. Các doanh nghiệp triển khai bảo hiểm theo phương thức đồng bảo hiểm. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp phân công nhau trên các địa bàn, chịu trách nhiệm cam kết khi rủi ro xảy ra.
Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2015, toàn thị trường bảo hiểm có 60 doanh nghiệp bảo hiểm, tổng doanh thu bảo hiểm đạt 84.506 tỷ đồng. Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, giám, phòng chống gian lận bảo hiểm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm./.
Ngọc Hà/VOV-Trung tâm tin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn