Quyền lợi người dân tham gia BHYT ngày càng mở rộng
Trong đó, BHXH bắt buộc là trên 12 triệu người, đạt 99,3%; BHXH tự nguyên trên 198.000 người, đạt 64,6%; BH thất nghiệp là hơn 10 triệu người, đạt 99,7%. Đặc biệt, BHYT đã đạt trên 75 triệu người, đạt 100,8% so với kế hoạch và đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 81,3%. Hiện có hơn 2.000 cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến và khoảng 10.000 cơ sở y tế tuyến xã đã khám, chữa bệnh cho khoảng 130 triệu lượt người có thẻ BHYT/năm.
Như vậy, với trên 75 triệu người tham gia BHYT- đây là con số ấn tượng trong bối cảnh việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân còn nhiều khó khăn và vướng mắc. Đồng thời, cho thấy BHYT đã thực sự trở thành 1 trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, bảo đảm sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mặt khác, kết quả cũng thể hiện sự thay đổi trong tư duy và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong phát triển BHYT toàn dân. Quyền lợi của người dân tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được bảo đảm.
Kết quả trên còn là tín hiệu vui cho những nỗ lực, quyết tâm của ngành BHXH và Bộ Y tế. Thời gian qua, hai ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời từ việc triển khai hợp đồng đến việc tổ chức khám, chữa bệnh tại các cơ sở, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc phát sinh để quyền lợi của người có thẻ BHYT được bảo đảm. Đặc biệt, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thu hút người dân khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tải bệnh viện, cải cách, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế...
Thời gian tới, để cán đích 90 triệu người tham gia BHYT vào năm 2020 và tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, ngành BHXH đã đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm như: Xử lý quyết liệt tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp, kiểm soát tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHYT theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia. Tích cực nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền, nghĩa vụ về BHYT và tự giác tham gia.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT, từng bước mở rộng chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người yếu thế, lao động trong khu vực phi chính thức, các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHYT theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Cần có các giải pháp để minh bạch, công khai và quản lý các hoạt động khám, chữa bệnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Nhóm đối tượng tham gia BHYT đều có sự gia tăng về số lượng, trong đó nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT cao (đạt gần 100%) là nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp; nhóm đối tượng hộ gia đình cận nghèo cũng có tỷ lệ bao phủ tăng đáng kể (hiện tại khoảng 90%), do hầu hết các địa phương đã hỗ trợ 30% kinh phí. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn