Theo đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá điều kiện canh tác, các địa phương đã tìm, lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp để chuyển đổi, nên bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chúng tôi cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hậu Lộc đến xã Hòa Lộc tìm hiểu về sự khó khăn của những vùng đất bị nhiễm mặn của huyện và hiệu quả kinh tế của những vùng đất sau khi được chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tại đây, cạnh những khu ruộng trồng dưa lê đã vào cuối vụ đang được người dân tận thu là những ruộng dưa khác vừa được trồng mới. Thưởng thức thứ quả đang được xem là “hot” nơi đây, chúng tôi thấy quả đúng như lời giới thiệu, loại dưa lê được trồng trên vùng đất nhiễm mặn này không những có vị ngọt đậm, thơm, mà còn chắc và giòn. Theo lời giải thích của cán bộ nông nghiệp huyện, sở dĩ dưa lê ở đây có được năng suất, chất lượng “vượt trội” như vậy là bởi do được trồng trên đất cát pha có độ tơi xốp, khả năng giữ nước thấp. Hơn nữa, do được trồng trên thân đất có độ nhiễm mặn vừa phải, nên trong quá trình sinh trưởng và phát triển, chuyển hóa nguồn dinh dưỡng để nuôi cây và làm quả thì đây lại là yếu tố tạo nên độ ngọt đậm, đặc trưng. Vì vậy, nhiều thương lái tìm đến thu mua, hiệu quả kinh tế cũng từ đó được nâng lên đáng kể. Theo tính toán của các hộ trồng dưa lê tại xã Hòa Lộc, 1 ha dưa lê cho năng suất từ 1 đến 1,2 tấn/vụ, với giá bán 10.000 đồng/1 kg, thì 1 ha cho doanh thu khoảng 100 đến 120 triệu đồng/vụ, trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng/ha/vụ, gấp 4 lần so với trồng lúa. Tìm được cây trồng phù hợp, nên thời gian qua cùng với việc mở rộng diện tích trồng dưa trên địa bàn, xã Hòa Lộc còn khuyến khích bà con nông dân tăng vụ sản xuất.
Từ chỗ khó khăn, xã Hòa Lộc đã biến vùng đất nhiễm mặn trở thành lợi thế thông qua công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Điều này cũng đang được phát huy tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Hậu Lộc. Trao đổi với bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hậu Lộc, chúng tôi được biết: Mỗi năm, huyện Hậu Lộc có tới 2.000 – 2.500 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn. Do đặc thù về điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước, nên việc nâng cao hiệu quả kinh tế từ những loại cây trồng truyền thống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thực hiện định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, huyện Hậu Lộc đã chỉ đạo 6 xã thuộc vùng Đông kênh De, có diện tích đất nhiễm mặn lớn thực hiện chuyển đổi linh hoạt sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn, chịu mặn, đang được thị trường ưa chuộng nhằm bảo đảm đầu ra ổn định, như: Ớt chỉ thiên, dưa lê... từ đó tăng hiệu quả kinh tế. Theo đánh giá bước đầu, diện tích sau khi được chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 đến 5 lần so với trước khi chuyển đổi.
Tại xã Nga Trường, huyện Nga Sơn, những vùng đất được xem là hoang hóa, với tổng diện tích 55 ha của xã trước đây chỉ được bà con nông dân trồng 1 vụ lúa, với năng suất đạt khoảng 1 – 1,2 tạ/sào, thì nay quanh năm đều đã được phủ xanh bằng những cây rau màu, với giá trị sản xuất đạt từ 80 đến 150 triệu đồng/ha/năm. Đây là kết quả của việc xã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Trần Văn Long, Chủ tịch UBND xã Nga Trường, cho biết: Xác định nâng cao hiệu quả kinh tế cho những vùng có điều kiện canh tác khó khăn là mục tiêu hàng đầu trong phát triển nông nghiệp của xã, nên những năm qua, xã đang vận động các hộ dân đầu tư cải tạo đất, thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng các cây rau màu. Cùng với đó, xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo đảm điều kiện sản xuất cho những vùng trồng các loại cây rau màu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý, để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, thời gian qua, xã đã chủ động kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho bà con nông dân. Hiện tại, nhiều hộ dân trong xã đã liên kết với Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để trồng cây cải bó xôi, hành lá, các loại cây gia vị; liên kết với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trồng khoai tây. Nhờ đó, những vùng sau chuyển đổi đều có hiệu quả kinh tế ổn định.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến những vùng khó khăn thành lợi thế trong sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện đã chuyển đổi linh hoạt được 23.432 ha đất lúa, mía, lạc, sắn sang trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Qua đánh giá ban đầu, những diện tích sau chuyển đổi đều cho hiệu quả trung bình cao gấp 2 đến 3 lần so với trước kia.
Theo Báo Thanh Hoá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn