Không chỉ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên đảo mà Nhà máy xử lý chất thải rắn Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn biến rác thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Tháng 6.2015, Nhà máy xử lý chất thải rắn Lý Sơn, công suất xử lý 15 tấn chất thải sinh hoạt/ngày, với tổng vốn đầu tư gần 30 tỉ đồng, do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) làm chủ đầu tư đưa vào vận hành. Tuy nhiên, do hoạt động kém hiệu quả, mỗi ngày chỉ xử lý theo phương pháp đốt rác thành tro và chôn lấp được 1,5 - 2 tấn rác thải nên tình trạng ô nhiễm môi trường trên đảo vẫn chưa được giải quyết triệt để, rác thải sinh hoạt người dân không biết đổ đi đâu đành vứt tứ tung hoặc đổ xuống biển. Lý Sơn đã sạch hơn
Trước thực tế trên, đầu năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi chuyển giao Nhà máy xử lý chất thải rắn Lý Sơn cho Công ty TNHH thương mại - xây dựng Đa Lộc (Công ty Đa Lộc) quản lý và vận hành theo hình thức xã hội hóa. Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Công ty Đa Lộc, cho biết sau khi tiếp nhận, công ty đã đầu tư hơn 26 tỉ đồng nâng công suất xử lý rác của nhà máy lên 50 tấn/ngày, trong đó đầu tư dây chuyền phân loại rác và lò đốt rác mới công suất 1,5 tấn/giờ, đồng thời thành lập đội thu gom, vận chuyển rác, đặt nhiều thùng đựng rác trên các tuyến đường chính, các điểm tham quan, du lịch. Đối với xã An Bình (còn gọi là đảo Bé), công ty thu gom và thuê tàu vận chuyển về nhà máy xử lý. “Trong thời gian qua, anh em công nhân làm việc cật lực với phương châm chừng nào thu gom hết rác đưa về nhà máy mới nghỉ. Vì thế, toàn bộ lượng rác thải trên đảo đều được xử lý”, ông Nam khẳng định.
Theo ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn, Nhà máy xử lý chất thải rắn Lý Sơn được xã hội hóa góp phần đáng kể vào việc hơn 80% số hộ đăng ký tham gia thu gom rác, qua đó làm cho đảo Lý Sơn ngày càng sạch hơn. Các điểm ô nhiễm môi trường, nhất là ven bờ biển quanh đảo, không còn đầy rác rưởi bốc mùi hôi thối như trước.
Sản xuất 5 tấn phân hữu cơ mỗi ngày
| | | Sử dụng phân hữu cơ từ rác không những giá rẻ, giảm chi phí so với phân hóa học bình quân mỗi sào vài trăm ngàn đồng, mà còn cải tạo đất tơi xốp, năng suất hành, tỏi rất đạt | | | Bà Dương Thị Nga, một nông dân ở xã An Vĩnh (Lý Sơn) | | |
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, đặc thù trên đảo Lý Sơn diện tích đất quá ít nên phải hạn chế đến mức tối đa việc chôn lấp. Do vậy, toàn bộ lượng rác thải sau khi tập kết về nhà máy đều được đưa vào hệ thống xé bao, hệ thống sàng, phân loại, trong đó tách lượng đất, đá để chôn lấp chỉ 3%, rác thải đốt chiếm 45 - 48%, số còn lại là phần rác hữu cơ đưa vào ủ phối trộn thêm vi sinh vật, chế phẩm, sau đó nghiền sàng chế biến thành sản phẩm phân hữu cơ. Ông Nam cho biết thêm: Mỗi ngày nhà máy ở Lý Sơn sản xuất được hơn 5 tấn phân hữu cơ. Trả lời Thanh Niên, bà Dương Thị Nga, một nông dân ở xã An Vĩnh, cho biết lâu nay nông dân đất đảo có thói quen dùng phân hóa học hoặc tự ủ lá cây để bón lót cho cây trồng nên ban đầu nhiều người ngại ngùng với phân hữu cơ làm từ rác. Tuy nhiên, sau những vụ mùa sử dụng thấy hiệu quả, bà con nông dân mua rất nhiều, thậm chí có thời điểm nhà máy không còn phân hữu cơ để bán.
“Sử dụng phân hữu cơ từ rác không những giá rẻ, giảm chi phí so với phân hóa học bình quân mỗi sào vài trăm ngàn đồng, mà còn cải tạo đất tơi xốp, năng suất hành, tỏi rất đạt”, bà Nga chia sẻ và cho biết thêm: Vụ tỏi đông xuân 2016 - 2017, gia đình bà dùng phân hữu cơ để bón nên 5 sào tỏi cho củ khá to, năng suất cao, với tổng sản lượng tỏi thu hoạch được hơn 2 tấn.
“Nhà máy thực sự mang lại lợi ích kép: giải quyết nạn rác thải để Lý Sơn trở thành hòn đảo xanh, sạch, đẹp, đồng thời góp phần thiết thực cho sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, nhất là khi Lý Sơn đang hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch phục vụ phát triển du lịch”, ông Nguyễn Thanh nói.
Theo Hiển Cừ/ Thanh niên