Dù mới phát triển nhưng các tỉnh miền Đông Nam Bộ này đã hình thành được những vùng chuyên canh cây ăn trái với năng suất, chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Làm giàu với cây có múi
Chăm sóc vườn bưởi ở xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương. Ảnh: T.H
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cam Bắc Tân Uyên” và “Bưởi Bắc Tân Uyên” cho huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Sự kiện này khiến nhiều nhà vườn trồng cam, quýt bên dòng sông Bé càng thêm phấn khởi, thêm động lực cho việc phát triển sản xuất, gầy dựng thị trường bền vững cho sản phẩm cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung. |
Giới nông dân “kha khá một chút” ở vùng Bắc Tân Uyên, Bình Dương không xa lạ gì ông Ba Thắm (Lâm Thành Thắm, ở xã Hiếu Liêm). Ông từng được xem là người “cả gan làm liều” khi từ Tiền Giang lên Bình Dương thuê đất trồng cây có múi hơn chục năm về trước. Đến nay, ông Ba Thắm đã có trong tay vườn cây rộng lớn với diện tích 150ha trồng cam sành và quýt đường, trong đó 50% đang cho thu hoạch. Theo cách tính của ông Ba Thắm, trung bình mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí sản xuất, trang trại của ông cho lợi nhuận từ 9 -10 tỷ đồng.
Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014 Lê Văn Xê (tức Sáu Xê) là chủ trang trại Phương Uyên, cũng ở xã Hiếu Liêm huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ông Sáu Xê có 12ha trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất khoảng 500 tấn quả/năm. Sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận gần 10 tỷ đồng mỗi năm.
Không khó để gặp những “nông dân tỷ phú” nhờ trồng cây có múi như ông Ba Thắm hay ông Sáu Xê ở Bình Dương. Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương, chỉ riêng địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đã có khoảng 2.000ha cây ăn trái có múi, tập trung chủ yếu tại 6 xã. Các vườn trái cây đã vào thời kỳ cho trái ổn định, mang lại thu nhập từ 600 triệu đến khoảng 1 tỷ đồng/ha.
Chuyên canh cây ăn trái
Cũng theo đánh giá của Sở NNPTNT Bình Dương, hầu hết các trang trại cam sành, bưởi, quýt đường ở đây đều được bà con đầu tư bài bản, theo mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, tại đây đã bắt đầu hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái.
Ông Lê Thanh Tùng – Phó trưởng phòng Cây lương thực và cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) thông tin, mô hình khai hoang đất trống, cải tạo đồi trọc, đất trồng cây màu hiệu quả thấp… để chuyển sang trồng cây có múi ở vùng Đông Nam Bộ đang có triển vọng lớn, đặc biệt là ở huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương.
Còn theo ông Phạm Văn Bông – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương, liên ngành nông nghiệp – tài nguyên môi trường tỉnh này cũng đã đưa ra quy trình sản xuất mới đối với cây có múi, nhằm phát triển bền vững. Theo đó, việc thực hiện kiểm soát chất lượng đất được gắn với chính sách đầu tư lâu dài, ổn định.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn