Phát biểu tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu nhấn mạnh việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém; tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và uy tín sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cần làm rõ đơn vị nhập chất cấm
Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) cho rằng, vấn đề an toàn thực phẩm được nhân dân rất quan tâm và luôn tự hỏi là làm thế nào để có được nguồn thực phẩm an toàn. Mặc dù năm 2015 được Bộ NN-PTNT chọn là năm an toàn thực phẩm, thế nhưng sau gần 1 năm, dường như tình hình vi phạm không những không giảm mà còn diễn biến hết sức phức tạp và thủ đoạn hết sức tinh vi.
Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) |
Bà Đinh Thị Phương Khanh cho cho biết, cử tri cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước dường như đang bất lực trước không ít người kinh doanh, làm giàu bất chính trên chính sức khỏe của người dân. Người dân đặt câu hỏi nguồn gốc các chất này từ đâu. Salbutamol là nhóm chất độc bảng B và chỉ có những công ty có số đăng ký với sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập và nhà máy GMP mới được sản xuất.
Việc sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa Salbutamol được cho là quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dược và chỉ bán theo đơn và sử dụng theo chỉ định của bác sỹ. Việc thực phẩm tồn dư chất cấm thuộc nhóm độc bảng B này là do đâu? Có hay không công tác buông lỏng quản lý?
Mặc dù đây là loại thuốc bán theo đơn thuốc nhưng người dân có thể tự mua ở các đại lý thuốc Tây và với số lượng bao nhiêu tùy ý, bởi người bán thuốc hầu như không quan tâm người mua dùng để làm gì và chưa kể nguồn thuốc này được nhập lậu, chưa được kiểm soát chặt chẽ và trách nhiệm thì không biết thuộc về ai.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Bộ NN-PTNT làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đã nhập khẩu 68 tấn tạo nạc là chất cấm trong chăn nuôi.
“Hôm nay, tôi kính đề nghị các bác nông dân vì sức khỏe cộng đồng đừng dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau, quả đem ra thị trường. Vì yêu quê hương, đất nước thì đừng biến khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt” – ông Đỗ Văn Đương phát biểu.
Phải coi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, Bộ nhận thức rất rõ yêu cầu bức thiết của nhân dân về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên đã luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn ngành và phối hợp triển khai nhiều biện pháp.
Bộ trưởng Cao Đức Phát |
Tuy nhiên, kết quả giám sát trong 9 tháng đầu năm cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm còn cao, chưa cải thiện so với năm 2014. Về thủy sản có 1,01% mẫu có hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng. Rau có 10,3% có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. Thịt có 7,6% có hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng…
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã phát động đợt cao điểm hành động đảm bảo an toàn thực phẩm kéo dài đến hết tháng 2/2016. Qua đó để chấn chỉnh tình hình và rút kinh nghiệm, làm tốt hơn cho các năm tiếp theo, trong đó có kế hoạch riêng về kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Vừa qua, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh hơn, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có giảm, nhất là khu vực xung quanh TP HCM, nhưng tình trạng này vẫn còn. Việc kiểm tra mẫu thịt, nước tiểu của heo chỉ là cái ngọn. Vì thế nên Bộ chủ trương sẽ phối hợp làm rõ và xóa bỏ trong đợt này các đường dây buôn bán phi pháp chất cấm.
“Tôi nhất trí với đại biểu Đỗ Văn Đương phải đấu tranh với chất cấm như với ma túy. Tôi đã nêu với các cơ quan chức năng là việc sử dụng chất cấm là tội ác. Bên cạnh đó cần có sự vào cuộc của các Bộ ngành và các địa phương” – ông Cao Đức Phát nói.
Theo VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn