Tham dự buổi tiếp, tháp tùng Đại sứ Tanee Sangrat có Tham tán Công sứ phụ trách thương mại, Tham tán đầu tư và các cán bộ Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam. Về phía Bộ Công Thương đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Thị trường trong nước, Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục Xúc tiến thương mại.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tin tưởng rằng trên cương vị Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, Ngài Tanee Sangrat đã, đang và sẽ thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Thái Lan, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Bộ trưởng cũng đã đánh giá cao và chúc mừng Thái Lan đảm nhiệm thành công năm Chủ tịch ASEAN 2019, những kết quả đạt được đã tạo khuôn khổ thúc đẩy phát triển hơn nữa hợp tác trong ASEAN và ASEAN cùng các đối tác.
Bộ trưởng và Đại sứ trao đổi và cho rằng Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan (thiết lập năm 2013) đã phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư. Việt Nam và Thái Lan đều là những đối tác thương mại hàng đầu của nhau trong khu vực. Thái Lan cũng là đối tác đầu lớn lớn của Việt Nam (đứng thứ 9/135 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam). Hai Bên cần tích cực triển khai những kết quả đạt được tại Kỳ họp lần thứ 3 của Ủy ban hỗn hợp Thương mại Việt Nam - Thái Lan (tổ chức vào tháng 8/2018 tại Việt Nam), góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại hai nước.
Trên nền tảng Quan hệ Đối tác chiến lược và hợp tác thành công đã có giữa hai nước, Bộ trưởng cũng đã giới thiệu và đề nghị Đại sứ, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam làm cầu nối, thúc đẩy các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư trong các lĩnh vực còn nhiều dư địa, tiềm năng phía trước như xây dựng các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu trong hoạt động sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ ô tô, điện tử... Để hướng tới một cán cân cân bằng hơn trong quan hệ thương mại hai nước, Bộ trưởng đề nghị Thái Lan xem xét mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Việt Nam, tăng cường hợp tác nâng cao năng lực thể chế và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác trong công tác phòng vệ thương mại nhằm giảm thiểu các biện pháp gây cản trở thương mại.
Bộ trưởng cũng đã nêu một số vấn đề hợp tác trong lĩnh vực thương mại đề nghị Đại sứ hỗ trợ thúc đẩy trong thời gian tới như: xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối tại Thái Lan, phối hợp thúc đẩy để Hiệp định RCEP có thể được ký kết trong năm 2020, và các hợp tác khác trong khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trao đổi với Đại sứ Thái Lan về một số dự án hợp tác năng lượng và thương mại nông sản mà phía Bạn quan tâm. Bộ trưởng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn có chính sách đối xử công bằng giữa các nhà đầu tư nước ngoài cũng như giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước, luôn tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác với Thái Lan trong hoạt động trung chuyển hàng nông sản Thái Lan sang Trung Quốc qua Việt Nam.
Đại sứ Taneee Sangrat cảm ơn sự đón tiếp của Bộ trưởng, đồng thời nhất trí với những vấn đề Bộ trưởng nêu và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng Năm mới tới Đại sứ và toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam và gia đình.
Trong thời gian qua, kim ngạch thương mại Việt Nam – Thái Lan nhìn chung đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1%/năm trong giai đoạn năm 2015-2019. Thái Lan hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Năm 2019, kim ngạch XNK Việt Nam – Thái Lan đạt 16,9 tỷ USD, giảm 3,4% so với năm 2018. Trong đó, kim ngạch XK đạt 5,3 tỷ USD, giảm 3,9% và kim ngạch NK đạt 11,6 tỷ USD, giảm 3,2% so với năm 2018. Hiện nay, Thái Lan là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Thái Lan (Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Thái Lan, sau Hòa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản). Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Thái Lan các mặt hàng: điện thoại và các loại linh kiện, dầu thô, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng thủy sản, sắt thép các loại, sản phẩm từ sắt thép, hàng dệt may. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan chủ yếu: ô tô nguyên chiếc các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng điện gia dụng và linh kiện, chất dẻo nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng ô tô, rau quả và xăng dầu. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn