Vườn bưởi Luận Văn “tiến vua” |
Bưởi Luận Văn “tiến vua” là giống bưởi đặc sản ở làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là loại sản vật có từ thời hậu Lê với hương vị thơm ngon mà thời kỳ phong kiến chỉ có vua, chúa mới được dùng.
Chúng tôi có mặt tại vườn bưởi 800 gốc của gia đình ông Nguyễn Hải Đăng của làng Luận Văn vào những ngày này, khi những quả bưởi đã bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Ông Đăng cho biết vườn bưởi nhà ông hơn 800 gốc, trong số đó 200 gốc đã cho thu hoạch trái vài năm trở lại đây.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, sở dĩ bưởi Luận Văn khi xưa được lựa chọn để tiến vua bởi khi chín, quả bưởi sẽ chuyển màu vàng sang đỏ tươi từ vỏ đến từng tép bưởi.
Theo chia sẻ của ông Đăng, trước đó, vào khoảng tháng 9, tháng 10 các thương lái ở Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn... đã tìm đến và đặt hàng.
“Giá bán hiện tại dao động từ 80 -120 nghìn đồng/ quả tại vườn, tuy nhiên số lượng có hạn bởi chỉ bán những quả đã chín, quả không đẹp, kích cỡ nhỏ” - ông Đăng cho biết.
Ngoài hương vị đặc trưng, bưởi Luận Văn "tiến vua" còn mang một yếu tố tâm linh nên người mua thường mang về bày vào mâm ngũ quả mong mang lại may mắn, tài lộc cho gia đình.
Cũng theo chia sẻ của ông Đăng, mỗi gốc bưởi trong vườn nhà ông năm nay cho khoảng 80 quả. Hiện, gia đình đã bắt đầu chọn những quả chín, quả nhỏ và xấu hơn để bán. Những quả to, đẹp hơn đang đợi bán dịp tết.
Bưởi Luận Văn có vị thơm nhẹ, khi chín sẽ cho màu đỏ tươi từ vỏ bên ngoài, đến cùi và từng tép bưởi bên trong.
Khác với bưởi Diễn hay bưởi Năm Roi, bưởi Luận Văn khi hái xuống khỏi cây mà ăn luôn sẽ rất ngon, không cần để bưởi héo, xuống nước.
Vài năm trở lại đây, bưởi Luận Văn được thị trường đón nhận như một đặc sản đặc biệt.
Những người cao niên trong làng cho biết, hiện tại nhiều nơi cũng mang giống bưởi Luận Văn về trồng, tuy nhiên hương vị không đạt bởi khác thổ nhưỡng và cách thức chăm sóc dinh dưỡng cho cây.
Theo bật mí của ông Đăng, vụ năm ngoái 200 gốc bưởi nhà ông thu về không dưới 1 tỷ đồng.
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo xã Thọ Xương cho biết, hiện tại toàn xã có khoảng 10 hecta trồng bưởi với khoảng 4.000 gốc và tiếp tục được nhân rộng mô hình này.
“Không chỉ là đặc sản, bưởi còn đem lại nguồn lợi kinh tế chính cho những người dân” - vị cán bộ xã này cho hay.