Tại Hội nghị chuyên đề, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên được tổ chức mới đây tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã đề nghị Chính phủ xem xét phê duyệt, sửa đổi, bổ sung chính sách nói chung và các chính sách dạy nghề đối với các đối tượng đặc thù.
Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Cần mở rộng đối tượng hỗ trợ học nghề
Cần sửa đổi, bổ sung Quyết định số 267 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú theo hướng mở rộng đối tượng, hình thức đăng ký dạy nghề, đảm bảo ngân sách trung ương để thực hiện… Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng ưu tiên bố trí kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ dạy nghề cho các địa phương thuộc các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, điều chỉnh các mức hỗ trợ cho phù hợp với thực tế…
Dạy nghề sửa điện cơ cho thanh niên tại huyện Krông Ana tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quang Huy
Đối với các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính… cần tập trung chỉ đạo, triển khai chính sách phát triển dạy nghề theo Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo hợp lý về số lượng, quy mô, ngành nghề, cấp trình độ, đi đôi với nâng chất lượng và hiệu quả. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính cho các cơ sở dạy nghề cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động học nghề trong vùng, nhất là các chính sách hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi để được tham gia học nghề, tự tạo việc làm. Nghiên cứu, hướng dẫn các hình thức tổ chức đào tạo phù hợp với vùng dân tộc. Huy động các nguồn lực đầu tư tập trung, đồng bộ các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề, nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dạy nghề cho xuất khẩu lao động đối với các tỉnh trong vùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và thực hiện đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp làm cơ sở, nền tảng để xác định nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhu cầu học nghề của nông dân. Tập trung chỉ đạo và chịu trách nhiệm về dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn làm nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn với xây dựng nông thôn mới trong đó, tập trung ưu tiên cho các tỉnh Tây Nguyên phát triển các lĩnh vực, cây trồng là thế mạnh của vùng…
GS.TS Nguyễn Minh Đường, Ủy viên Hội đồng quốc gia phát triển giáo dục: Cần xây dựng thêm nhiều trường nghề
Cần xây dựng thêm nhiều trường nghề chất lượng cao, áp dụng công nghệ đào tạo tiên tiến của các nước phát triển. Tiếp tục đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, tăng cường gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, để xây dựng một trường chất lượng cao cần đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao, phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội được nhiều đại biểu kiến nghị, đề xuất là đẩy mạnh sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. Các cơ sở đào tạo cần có một tổ chức chịu trách nhiệm xúc tiến mối quan hệ với các doanh nghiệp. Nhà nước có thể có cơ chế hỗ trợ vốn hoặc cung cấp thông tin cho nhu cầu đào tạo cho các cơ sở doanh nghiệp.
Bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên
Từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm tỉnh Đắk Lắk giải quyết việc làm cho khoảng 28.000 lao động, chủ yếu là thanh niên ở các thôn, buôn vùng nông thôn. Năm 2015, tại Đắk Lắk, tỷ lệ lao động qua đào tạo sẽ đạt 50% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%; đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 57% và tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 45%.
Tỉnh Đắk Lắk tập trung phát triển quy mô đào tạo các ngành nghề đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, nông thôn, với các ngành nghề ưu tiên, gồm nhóm ngành nghề công nghệ, kỹ thuật, nhóm ngành nghề sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp, khách sạn, du lịch, dịch vụ cá nhân, nhóm ngành nghề máy tính công nghệ thông tin, thủ công mỹ nghệ. Tỉnh cũng tiến hành quy hoạch mạng lưới dạy nghề và việc làm.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh nâng cấp Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh thành Trung tâm vùng Tây Nguyên; đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế mở thêm 60 cơ sở dạy nghề để bình quân mỗi năm có trên 30.000 lao động ở các địa bàn thôn, buôn được đào tạo nghề. Các trường cao đẳng nghề trên địa bàn được tỉnh đầu tư các nghề chất lượng cấp độ quốc gia, ASEAN và quốc tế, tập trung phát triển các ngành nghề được đầu tư từ nguồn kinh phí của các dự án và các nghề đào tạo khác có nhu cầu cao từ các doanh nghiệp, nhu cầu tìm việc làm của người lao động…
Hàng năm, tỉnh Đắk Lắk đã sử dụng nguồn ngân sách địa phương trên 3 tỷ đồng để đào tạo nghề cho lao động ở các thôn, buôn vùng nông thôn; trong đó, chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề thực sự là người có tay nghề cao để tham gia giảng dạy. Tỉnh cũng thực hiện tốt công tác điều tra cung cầu lao động, sàn giao dịch việc làm gắn kết với thị trường cung cầu lao động làm cơ sở để tuyển sinh học nghề và định hướng nguồn lực lao động tham gia đào tạo nghề gắn với thị trường lao động.
Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội): Công tác giáo dục nghề nghiệp đã phát huy hiệu quả
Năm 2014, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đạt chỉ tiêu đề ra (gần 535.000 người). Công tác này sẽ ngày càng được tổ chức hiệu quả hơn theo tinh thần "chỉ tổ chức học nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập sau học nghề". Đặc biệt, Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội khóa XIII thông qua trong năm 2014, với quy định sát nhập, quy hoạch lại mạng lưới đào tạo sẽ giúp công tác giáo dục nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn. Việc thống nhất các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp Việt Nam xây dựng được khung trình độ quốc gia; đồng thời, hội nhập được với khu vực và quốc tế trong quá trình đào tạo.
Chiến lược Dạy nghề đến năm 2020 đã đặt ra mục tiêu rõ ràng cho từng năm. Công tác tuyển sinh dạy nghề đặt mục tiêu tuyển mới 2.150 nghìn người, trong đó trung cấp nghề, cao đẳng nghề là khoảng 250 nghìn người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 1,9 nghìn người. Đến 1/7/2015, khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, chỉ tiêu tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp là rất cao. Nếu mục tiêu nói chung cho đào tạo nhân lực, giáo dục nghề nghiệp chiếm tới hơn 80%, đại học chỉ chiếm hơn 10%.
Trước ngày Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, tất cả các cơ sở đào tạo vẫn tổ chức thực hiện tuyển sinh đào tạo như bình thường. Do đó, năm học 2014-2015, các trường đại học sẽ tiếp tục tuyển sinh cao đẳng, tổ chức đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học và cấp bằng theo quy định. Sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tuân theo quy chế tuyển sinh đào tạo do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương quy định.