Sau cơn “hành hạ” khắc nghiệt của thiên tai, sâu bệnh từ mùa vụ 2015 – 2017, sản lượng điều sụt giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo nhập nguyên liệu...
Diện tích sụt giảm
Gia đình ông Mai Văn Phóng (ấp Bà Rịa, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) thu hoạch điều. Ảnh: Bùi Hương
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước có 345 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu điều, trong đó doanh nghiệp có kim ngạch dưới 5 triệu USD/năm chiếm đến 73% đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng không đồng đều, làm thiệt hại chung cho cả ngành, về lâu dài bất lợi cho ngành điều Việt Nam. |
Tại tỉnh Đăk Nông, ông Nguyễn Cầu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, hiệu quả kinh tế của cây điều đang thấp hơn một số cây trồng khác như: Cà phê, hồ tiêu, ngô, khoai lang... Người dân lại có tâm lý điều là “cây nhà nghèo” nên không mặn mà đầu tư thâm canh. Ở một số vùng, năng suất điều quá thấp, một cây cho lác đác vài quả, thậm chí không cho thu hoạch.
“Diện tích điều ở địa phương đang có chiều hướng giảm dần do nông dân phá bỏ các diện tích điều thực sinh già cỗi, không phù hợp với điều kiện sinh thái, kém hiệu quả… sang trồng các loại cây khác” - ông Cầu cho biết.
Tình trạng sụt giảm diện tích điều cũng diễn ra tương tự ở nhiều tỉnh khác. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 2017, diện tích sản xuất điều đã giảm gần 25% (1.355ha), sản lượng giảm 35% (gần 3.000 tấn) so năm 2016. Ngoài phần đất nông nghiệp chuyển sang quy hoạch khu công nghiệp, diện tích cây điều già cỗi hầu hết được bà con chuyển sang trồng cây lâu năm, cây ăn quả, cây tràm và các loại cây ngắn ngày khác.
Tại Gia Lai, giá thu mua điều không ổn định, thu nhập từ cây điều trên một ha cũng thấp hơn so với cây trồng khác như ngô, sắn, mía. Ở Khánh Hòa, phần lớn diện tích trồng điều lại tập trung khu vực đồi núi và ở xa nên không thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, cải tạo, vì vậy nhiều hộ nông dân đã phá bỏ và chuyển sang trồng xoài, bưởi da xanh, sầu riêng…
Tương tự, từ năm 2013 đến năm 2017, diện tích trồng điều ở Phú Yên giảm từ 1.539ha xuống còn 952ha; sản lượng hạt điều từ 571 tấn năm 2013, đến năm 2016 chỉ còn 384 tấn. Nhiều nông dân đã chặt bỏ điều, chuyển sang trồng mía, sắn, keo lai, bạch đàn.
Doanh nghiệp sản xuất cầm chừng
Theo ông Đặng Văn Mạnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện toàn tỉnh có khoảng 25 cơ sở chế biến nhân hạt điều với tổng sản lượng bình quân đạt 70.000 tấn nguyên liệu điều thô/năm. “Từ một tỉnh dẫn đầu về chế biến xuất khẩu điều của cả nước (năm 2009), đến nay các cơ sở chế biến xuất khẩu chỉ hoạt động kiểu cầm chừng, nhỏ lẻ” - ông Mạnh than thở.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết toàn tỉnh chỉ có 1 doanh nghiệp chế biến hạt điều thô với công suất khoảng 7.000 tấn nguyên liệu/năm. Trong khuôn khổ đề án phát triển điều bền vững, tỉnh đã hỗ trợ thành lập 8 tổ hợp tác với 120 thành viên.
Nhưng niên vụ 2015 - 2016, các tổ hợp tác này chỉ thu mua, chế biến và tiêu thụ được 7% (1.604 tấn) tổng sản lượng điều toàn tỉnh. Số còn lại, người dân vẫn phải bán hạt điều tươi cho các thương lái.
Do vùng nguyên liệu giảm, sản lượng điều hạt không đạt yêu cầu nên các nhà máy chế biến điều đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh minh họa
Khá hơn một chút, tỉnh Đăk Nông có 2 nhà máy chế biến và thu mua hạt điều. Nhưng do vùng nguyên liệu giảm, sản lượng điều hạt không đạt yêu cầu, các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động khi chưa đến vụ thu hoạch. Tương tự, tỉnh Gia Lai có 2 cơ sở chế biến với tổng công suất thiết kế 13.000 tấn/năm nhưng cũng đang thiếu nguyên liệu tại chỗ.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 13 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến hạt điều, nhưng đến nay, tổng công suất thực tế tại các doanh nghiệp cũng chỉ đạt 16.650 tấn/năm, bằng một nửa so với tổng công suất thiết kế.
Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng thiếu nguyên liệu dự trữ; thiếu vốn đầu tư sản xuất của các nông hộ và doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến năng suất chung. Một số doanh nghiệp đang giảm công suất chế biến, chủ yếu bán nguyên liệu thô. Còn nếu nhập nguyên liệu từ các tỉnh khác sẽ tăng chi phí đầu vào, làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh trạnh của doanh nghiệp.
Thị trường thu mua hạt điều trên địa bàn tỉnh này hoàn toàn do tư thương đảm nhận, thiếu sự liên kết đầu tư thông qua các hình thức hợp đồng, kéo theo tình trạng tranh mua, tranh bán.
Các doanh nghiệp chế biến điều chưa tổ chức đầu tư cho vùng nguyên liệu, chưa ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con trồng điều cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không chủ động được nguồn nguyên liệu nêu trên.
Bà Phạm Thị Thúy Yến - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: “Cần cấp thiết tổ chức lại sản xuất vì hiện nay, liên kết giữa các nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp chưa được thiết lập; người trồng điều khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng”.
Theo Nguyên Vỹ/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn