Bù đắp nguồn cung thịt lợn
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thời gian tới, nếu DTLCP tiếp tục lây lan diện rộng, số lợn phải tiêu hủy gia tăng, chắc chắn thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, nhất là vào dịp cuối năm. Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các DN tăng cường thu mua, giết mổ, chế biến và cấp đông các sản phẩm thịt lợn an toàn để dự trữ, cung ứng cho thị trường. Đồng thời, Bộ đề nghị các địa phương chủ động đưa mặt hàng thịt lợn vào chương trình bình ổn giá dịp lễ, Tết.
Theo tính toán của Sở NN&PTNT Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của TP trung bình 650 – 700 tấn/ngày. Do bệnh DTLCP xảy ra nên sản lượng thịt lợn năm 2019 chỉ đạt khoảng 200.000 – 220.000 tấn, so với nhu cầu tiêu thụ của TP, sản lượng thịt lợn đang bị thiếu hụt 90.000 – 100.000 tấn. |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, cùng với việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống DTLCP, Bộ và các địa phương đã khuyến khích người chăn nuôi chuyển sang vật nuôi khác, như gia cầm, gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, cừu) để có nguồn cung thay thế. Mục tiêu đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 là cơ cấu chăn nuôi gia cầm tăng 7%, bò thịt tăng 5%, trứng gia cầm tăng 10% so với năm 2018 để bù đắp thiếu hụt nguồn cung thịt lợn. Trong đó, dự kiến nhu cầu tiêu thụ thịt bò trên thị trường trong nước tăng từ 330.000 tấn - 1 triệu tấn.
Tại Hà Nội, TP đang chuyển hướng phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm, từng bước thay đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng tập trung, ATSH, trong đó, chú trọng vào bảo đảm chất lượng, nguồn gốc con giống để đáp ứng nhu cầu tái đàn của người dân sau khi DTLCP được kiểm soát. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, TP đã chuẩn bị đủ các điều kiện để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, như đầu tư phương tiện kỹ thuật tiên tiến để chủ động nguồn giống chất lượng. Đồng thời, quy hoạch, hình thành vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm (10/31 xã của huyện Ba Vì); đầu tư hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi bò thông quan Ngân hàng Chính sách xã hội TP.
Hỗ trợ chăn nuôi an toàn sinh học
Nhiều hợp tác xã (HTX) chăn nuôi, DN cho biết, hiện nay, chăn nuôi ATSH là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm kiểm soát bệnh dịch. HTX chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) hiện đang nuôi hơn 3.000 con lợn nái và lợn thịt, duy trì chuỗi thịt lợn AZ. Thời gian qua, mặc dù bệnh DTLCP diễn biến phức tạp song HTX hoàn toàn không bị ảnh hưởng nhờ thực hiện tốt quy trình chăn nuôi ATSH và kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Giám đốc HTX chăn nuôi Nguyễn Trọng Long cho rằng, chính quyền địa phương cần thường xuyên thống kê tổng đàn lợn trên địa bàn, khuyến khích các hộ chăn nuôi tham gia vào HTX, hạn chế tối đa việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.
Về lâu dài, để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội Võ Việt Dũng kiến nghị, TP tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư lĩnh vực chế biến thực phẩm, đặc biệt là quỹ đất xây dựng nhà xưởng. Cùng với đó, các ngành chức năng xử phạt mạnh tay những cá nhân, tổ chức vận chuyển, mua bán, giết mổ sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc. “Để đảm bảo kiểm soát ATTP, TP cần nghiên cứu xây dựng cơ quan chuyên trách về quản lý lĩnh vực này như cách làm của TP Hồ Chí Minh. Mặt khác, TP tăng cường hỗ trợ các chuỗi chăn nuôi ATSH, khuyến cáo người chăn nuôi chỉ tái đàn khi đươc sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước” - ông Dũng nhấn mạnh.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Hà Nội chiếm 10% tổng nhu cầu của cả nước, do đó TP phải nhập một lượng lợn thịt lớn từ các tỉnh. Nhiều chuyên gia khuyến nghị, Hà Nội cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch. Ngoài ra, TP ưu tiên đầu tư cho giết mổ đảm bảo kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ mạnh cho phát triển chăn nuôi theo chuỗi.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn