Chủ trang trại tắm mát cho đàn lợn. (Ảnh: TN). |
Qua nghiên cứu của Dự án LCASP, nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi nghiêm trọng ở nông thôn hiện nay là do các trang trại chăn nuôi lợn sử dụng quá nhiều nước để vệ sinh chuồng trại và làm mát cho lợn, dẫn đến phân lợn lỏng không thể thu gom, chỉ còn cách xả thải trực tiếp ra nguồn nước hoặc thông qua hầm biogas gây quá tải...
Đó cũng là vấn đề thực tiễn đang diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định. Hiện phương thức chăn nuôi theo phương pháp truyền thống của các chủ trang trại, gia trại sử dụng rất lãng phí tài nguyên nước. Nếu người dân không thay đổi nhận thức của mình trong vấn đề này thì chẳng bao lâu nữa sẽ gây nên lãng phí kép và ô nhiễm kép trong quản lý chất thải chăn nuôi.
Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Tấn, điều phối viên Dự án LCASP tỉnh Nam Định cho biết, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc người dân sử dụng nguồn nước để tắm, làm mát, nước uống trong chăn nuôi động vật, nhất là chăn nuôi lợn thịt một cách bừa bãi, không hợp lý đã khiến cho tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt và gây lãng phí.
Không những thế, còn tạo thành chất thải lỏng khó thu gom và làm cho hệ thống xử lý chất thải không đáp ứng được yêu cầu. Hầm biogas không tương xứng với chăn nuôi, do đó chất thải thải ra ngoài môi trường chưa đảm bảo và xử lý triệt để, dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường khu vực trang trại. Và, người dân phải mất thêm một khoản chi phí trả tiền điện khi bơm nước liên tục tắm cho lợn.
Nói về tác hại của phương thức chăn nuôi lợn lãng phí nguồn nước, ông Tấn lấy ví dụ chứng minh: “Để đáp ứng công trình khí sinh học, đảm bảo hoạt động tốt nhất thì tỷ lệ nước pha loãng chỉ cần 1:1 hoặc 1:2. Tuy nhiên, nhiều chủ trang trại, gia trại đã sử dụng nguồn nước quá nhiều phục vụ cho chăn nuôi đã khiến tỷ lệ nước pha loãng cao, lên đến 1:4 hoăc 1:5. Vì vậy, không đảm bảo được việc xử lý phân thải của công trình khí sinh học”.
Theo khảo sát của BQL Dự án LCASP tỉnh Nam Định tại các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi con lợn thịt tiêu tốn khoảng 25 - 30 lít nước/ngày. Chăn nuôi lợn nái ít gây ô nhiễm hơn, bởi không được sử dụng nhiều nước tắm. Phân lợn nái được thu gom và ủ bán.
Việc sử dụng nhiều nước trong chăn nuôi có nhiều nguyên nhân. Do tập quán chăn nuôi còn lạc hậu, người dân chưa được tiếp cận nhiều giải pháp xử lý chất thải; do chưa có công nghệ thay thế...
Ông Vũ Hoàng Dũng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trực Ninh chia sẻ, hiện đa số người dân trên địa bàn vẫn áp dụng theo phương pháp chăn nuôi truyền thống, nền chuồng được đổ bê tông, cuối chuồng xây bể tắm nên vấn đề vệ sinh chuồng trại, tắm mát cho đàn lợn sẽ tốn nhiều nước.
Ông Mai Đình Miên (xã Trực Chính) thổ lộ, gần 10 năm nay, gia đình ông vẫn chăn nuôi theo kiểu truyền thống với hệ thống chuồng hở, nền xi măng, sử dụng vòi nước tắm mát cho đàn lợn 2 lần/ngày.
Với quy mô hơn 10 - 15 con lợn thịt/lứa, toàn bộ nước thải từ việc rửa chuồng trại, tắm mát cho đàn lợn được gia đình ông xả thẳng xuống ao. Trung bình, mỗi ngày, gia đình ông sử dụng hết gần 4m3 nước phục vụ vào việc tắm, ăn uống cho đàn lợn của gia đình.
Nam Định: Xả 1,5 triệu tấn chất thải chăn nuôi/năm Hàng năm, tổng đàn lợn của tỉnh Nam Định luôn ổn định từ 750 - 800 nghìn con; đàn trâu bò trên 37.000 con và đàn gia cầm khoảng 8 triệu con. Với tổng đàn gia súc, gia cầm như hiện nay, mỗi năm có trên 1,5 triệu tấn chất thải chăn nuôi thải ra môi trường. Trong đó, chất thải rắn và chất thải lỏng xả thẳng ra môi trường hoặc tái sử dụng không qua xử lý ở một số trang gia trại, chăn nuôi nông hộ vẫn tiếp tục tái diễn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. MC |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn