Khó ở nhiều khâu
Việc xây dựng các HTX, THT là rất cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh, tập hợp nông dân trong một tổ chức để xây dựng vùng sản xuất chuyên canh đồng trà, cùng giống, hỗ trợ nhau trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, những mô hình HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (xã Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang) hay HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh (Lạng Giang – Bắc Giang) vẫn còn là “hàng hiếm”, nhất là ở các tỉnh phía Bắc.
Ngay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, dù có đến 290 HTX nông nghiệp, 194 THT nhưng chủ yếu những đơn vị này chỉ hỗ trợ nông dân các dịch vụ đầu vào của sản xuất nông nghiệp như cung ứng vật tư, phân bón, tưới tiêu,… chứ chưa tham gia sâu vào quá trình giúp đỡ bà con tiêu thụ nông sản. Bản thân HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh, vốn được coi là “lá cờ đầu” nhưng ông Trần Văn Sỹ, Chủ nhiệm HTX cũng thừa nhận, HTX chưa giúp được nhiều cho xã viên trong việc tiêu thụ sản phẩm. Còn HTX Hồng Xuân cũng chỉ có thể lo cho các sản phẩm của xã viên trong HTX, còn muốn kết nạp thêm thành viên hay mở rộng tiêu thụ cho các hộ khác cũng lực bất tòng tâm do thiếu nguồn lực, nhất là vốn. Ông Phạm Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX Hồng Xuân cho biết, muốn tiếp cận vốn ngân hàng các thành viên HTX phải lấy tư cách cá nhân, còn nói đến HTX, các ngân hàng bày tỏ rõ sự e ngại.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang nêu một thực tế, phần lớn các HTX trên địa bàn chỉ cung cấp các dịch vụ đầu vào, vai trò điều tiết, tìm kiếm thị trường chưa rõ ràng, chưa có các phương án sản xuất kinh doanh cụ thể nên rất khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, nhất là khi HTX không có tài sản đảm bảo thế chấp. Đó là chưa kể trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý HTX thấp, phần lớn chưa qua đào tạo cũng ảnh hưởng đến quá trình hoạt động. Theo thống kê, chỉ có 5 – 7% cán bộ HTX trên địa bàn Bắc Giang có trình độ cao đẳng, đại học; 37 – 38% trình độ trung cấp; còn lại là làm theo kinh nghiệm.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và liên kết tiêu thụ nông sản hiện nay chủ yếu là giữa nông dân với doanh nghiệp còn liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã rất hạn chế, hơn 90% số hợp tác xã nông nghiệp hiện nay chưa tham gia vào các hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản. Một số mặt hàng tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng chỉ chiếm từ 3-15%.
Mỗi địa phương cần có một mô hình phù hợp
Thực tế, trong mấy năm gần đây, mô hình HTX, THT do nhân dân tự thành lập dựa trên nhu cầu bức thiết của bản thân trong sản xuất kinh doanh đã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Bản thân HTX, THT là những chủ thể quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện mục tiêu của tái cơ cấu nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của ngành; cải thiện và nâng cao đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Cụ thể, từ năm 2006-2011, số THT tăng bình quân 3,3%/năm. Năm 2011, cả nước có 136.097 THT, 9.725 HTX sản xuất, dịch vụ trong nông nghiệp; khu vực kinh tế HTX đã đóng góp bình quân 6,38% GDP của cả nước, trong khi vốn đầu tư chỉ chiếm 0,58% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Vì vậy, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc phát triển kinh tế tập thể là điều cần thiết nhằm tập hợp những hộ nông dân, chủ trang trại, cơ sở sản xuất nhỏ ở nông thôn tự nguyện cùng nhau tổ chức sản xuất, tổ chức quản lý dân chủ, vì lợi ích của các thành viên, phát triển cộng đồng. THT, HTX phát triển khuyến khích góp đất, tập trung đất sản xuất quy mô lớn; kiểm soát được quy trình sản xuất đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đồng đều, đủ số lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn, phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Trên cơ sở những khó khăn của đơn vị, ông Sỹ kiến nghị, Nhà nước phải có chính sách đặc thù đối với các HTX nông nghiệp quy mô lớn (toàn xã), có chính sách đãi ngộ cán bộ, thu hút nguồn nhân lực trẻ về phục vụ nông nghiệp. “Hiện nay, có nhiều nơi bỏ hoang ruộng đất hoặc không mặn mà với đồng ruộng, đó là do họ chưa có những tổ chức giúp đỡ, hỗ trợ họ bằng nhiều hình thức dịch vụ. Theo tôi, chỉ khi mô hình HTX toàn xã hoạt động hiệu quả, giúp khâu đầu vào của sản xuất và cả đầu ra được thuận lợi thì nông nghiệp mới phát triển bền vững”, ông Sỹ nói.
Từ thực tế phát triển ở các địa phương, TS.Lê Đức Thịnh nhấn mạnh, mỗi vùng miền, địa phương phát triển mô hình HTX theo cách khác nhau vì phải dựa vào trình độ sản xuất, thâm canh. Ví như ở miền Nam, mô hình THT, HTX liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín đang phát triển mạnh thì ở miền Bắc, mô hình HTX toàn dân, hỗ trợ các dịch vụ đầu vào của quá trình sản xuất là phù hợp. Bộ cũng đang yêu cầu các địa phương tổng hợp, đề xuất các mô hình HTX phù hợp với địa phương để có hướng ban hành các chính sách cho phù hợp.
“Hội nhập là tất yếu và không thể cưỡng lại được. Do đó, vai trò của kinh tế tập thể, vai trò của HTX phải phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở thời kỳ này. Muốn vậy, sự quan tâm hỗ trợ chính sách phải đúng và trúng; các HTX phải chủ động trong phát triển nội lực để người dân có thể đặt niềm tin, coi tổ chức này là điểm tựa để tìm đến khi khó khăn, giải quyết những vướng mắc khi cần. Khi hội nhập, Nhà nước không thể trợ giá trực tiếp cho người nông dân nhưng những hỗ trợ cho tổ chức nông dân thì hoàn toàn không phạm luật. Bởi vậy, một lần nữa, tôi muốn khẳng định càng hội nhập sâu rộng, chúng ta càng cần phải đề cao vai trò của HTX, vai trò của tổ chức nông dân”, ông Thịnh nói.
Giai đoạn 2015-2020, cả nước sẽ cơ bản tiến hành chuyển đổi 10.336 hợp tác xã nông nghiệp sang tổ chức và hoạt động theo luật hợp tác xã 2012. Cùng với đó, sẽ thúc đẩy thành lập mới 2.000 hợp tác xã theo hướng ưu tiên các hợp tác xã sản xuất theo lĩnh vực chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Còn khoảng 2.500 hợp tác xã hoạt động không hiệu quả thì sẽ nhanh chóng giải thể để thực hiện lành mạnh hóa các hoạt động của các hợp tác xã hiện nay.
Theo KTNT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn